Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Bơm" 15.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp dệt may

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ​ Doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) được xếp vào nhóm khách hàng quan trọng với ưu đãi về lãi suất cho vay, phí giao dịch được giảm tối đa lên đến 20% theo doanh số giao dịch, cơ chế giao dịch kinh doanh vốn và tiền tệ linh hoạt...

 Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu thương mại Việt Nam (BIDV) cho rằng, việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo điều kiện cho hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
 
Thêm nữa là các cơ hội gia tăng vốn đầu tư, các cơ hội về chiếm lĩnh thị trường trong nước và cải cách doanh nghiệp theo hướng tiếp cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững.

Như vậy, có thể thấy cơ hội TPP cho ngành dệt may là có nhưng chưa thể tận dụng trong ngắn hạn. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp FDI đã tiến hành tìm hiểu về việc đầu tư vào các công đoạn sản xuất vật liệu nguồn như sợi, dệt, nhuộm để đón đầu TPP.

Chính phủ đã xác định dệt may là ngành giữ vị trí quan trọng khi tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp lớn vào thành tích xuất khẩu và  BIDV đã xếp ngành dệt may vào nhóm hàng trọng điểm cần gia tăng thị phần. Chính vì vậy, mới đây BIDV đã ban hành chính sách Khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu quan trọng giai đoạn 2015-2016 với quy mô tín dụng lên tới 15.000 tỷ đồng.

Theo đó khách hàng là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) được xếp vào nhóm khách hàng quan trọng với ưu đãi về lãi suất cho vay, phí giao dịch được giảm tối đa lên đến 20% theo doanh số giao dịch, cơ chế giao dịch kinh doanh vốn và tiền tệ linh hoạt...

Đặc biệt, trong 5 năm tới, BIDV sẽ dành một khoản tín dụng hỗ trợ những doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nguyên phụ liệu, thành phẩm và bán thành phẩm. Bởi theo vị lãnh đạo BIDV, thách thức của các hiệp định thương mại thế hệ mới mang tính cạnh tranh cao theo hướng đảm bảo tính minh bạch và tính đến đáp ứng quy tắc xuất xứ.

“Vùng nguyên liệu không có, nhập khẩu đến 80% nguyên liệu thì làm sao 5 năm tới có thể cân đối về tỷ lệ nội địa hóa”, ông Hà nói.

Còn theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), doanh nghiệp đầu tư phát triển nguyên phụ liệu giảm nhập khẩu là giải pháp quan trọng nhất để đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, khó khăn về vốn, công nghệ đều phải nhập khẩu là bài toán “hóc búa” trong việc đầu tư nhưng vấn đề quản lý mới là khó khăn lớn hơn. Bài học đầu tư nhưng không mang lại hiệu quả, điển hình là Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, mặc dù có vốn và công nghệ.