Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa có kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, nhằm thực hiện 3 mục tiêu lớn để nâng cao chất lượng GD&ĐT, trong đó chú trọng giáo dục đại học (ĐH).
Nhiệm vụ đầu tiên là rà soát lại hệ thống pháp luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực GD&ĐT. Trong đó, đáng chú ý là khuyến khích và tạo điều kiện để các trường ĐH quốc tế hàng đầu mở cơ sở đào tạo ở Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Mở rộng quyền tự chủ cả về tuyển sinh, tài chính lẫn chương trình, nội dung đào tạo và khảo thí cho các cơ sở giáo dục; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng dịch vụ giáo dục theo cơ chế thị trường gắn với việc kiểm soát chất lượng và đầu ra. Cùng với đó là nhiệm vụ rà soát, kiểm soát thủ tục hành chính nhằm bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục, điều kiện bất hợp lý, không cần thiết; Bổ sung, sửa đổi và đơn giản hóa, giảm chi phí đối với các thủ tục theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tư nhân và các tổ chức xã hội tham gia cung ứng dịch vụ giáo dục.
Nhiệm vụ thứ ba được yêu cầu là đẩy mạnh đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý Nhà nước. Theo đó, cần có giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả cung cấp trực tuyến các dịch vụ công do Bộ GD&ĐT quản lý; Triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục trên phạm vi toàn quốc; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về GD&ĐT phục vụ công tác quản lý các cấp. Việc chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD&ĐT cũng được coi là một nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể là hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương về GD&ĐT, gắn với việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước. Tiếp tục phối hợp triển khai Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020 theo Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ thống chuyển đổi tín chỉ giữa Việt Nam và các quốc gia khác; Mở rộng các chương trình trao đổi và dịch chuyển sinh viên quốc tế. Đặc biệt là tăng cường ký kết thỏa thuận hợp tác giáo dục song phương/đa phương và công nhận bằng cấp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, kế hoạch này cũng đặt ra việc khuyến khích, tạo điều kiện cho chuyên gia, giảng viên của Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học.