Theo nhiều chuyên gia kinh tế, động thái này là cần thiết trong bối cảnh thị trường hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài, quyết định này cũng khiến nhiều người lo ngại.
Gỡ khó hay thỏa hiệp?
Việc loại trừ một số khoản vay bất động sản ra khỏi danh mục cho vay phi sản xuất theo nhiều chuyên gia kinh tế là phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng Nguyễn Trọng Tài cho rằng, động thái này trước mắt đã gỡ khó cho các ngân hàng thương mại khi thời hạn ngân hàng phải đưa tỷ trọng tín dụng phi sản xuất về 16% đang đến gần. Việc loại trừ tín dụng đối với những nhóm nhu cầu cần thiết với dân sinh như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… là phù hợp với đạo đức và thực tiễn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng có thể xem đây là một bước "thỏa hiệp" của chính sách điều hành. "Chúng ta đặt mục tiêu đưa dư nợ phi sản xuất của các tổ chức tín dụng là 16% cho cả năm 2011. Thế nhưng, trước nhiều áp lực, có vẻ như những chính sách lại không kiên định với mục tiêu này"- ông nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc một số ngân hàng trước đây cho vay bất động sản quá nhiều và quá thoáng là có thật. Và hậu quả là nếu giữ nguyên các yêu cầu trước đây, sẽ có rất nhiều ngân hàng không kéo được dư nợ về đúng quy định.
Hy vọng mong manh
Trong bối cảnh bất động sản đang kiệt quệ thì việc bốn nhóm bất động sản thoát "rổ" phi sản xuất cũng khiến nhiều người hy vọng về sự hồi sinh của thị trường này.
"Chúng ta nên hiểu, đây chỉ là việc loại trừ một số nhóm tín dụng ra khỏi “rổ” tín dụng phi sản xuất chứ không phải là bơm thêm vốn cho bất động sản. Tăng trưởng tín dụng cả năm vẫn giữ ở mức 20%"- ông Nguyễn Trọng Tài nhấn mạnh. Bởi vậy, theo ông Tài thì quyết định này có thể làm hồi sinh một số phân khúc, còn cả thị trường bất động sản có hồi sinh hay không thì còn phải chờ.
Về phía ngân hàng, nhiều lãnh đạo ngân hàng thẳng thắn thừa nhận, từ nay đến cuối năm, mục tiêu của họ không phải là tăng trưởng tín dụng. Vốn huy động khó, ngại nợ xấu, tập trung thu hồi nợ cũ… là những nguyên nhân khiến ngân hàng không tha thiết bơm vốn ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, dù một số nhóm thoát "rổ" phi sản xuất thì cửa cho vay bất động sản cũng sẽ không rộng mở từ phía ngân hàng.
Bởi vậy, muốn qua cơn "bĩ cực", các công ty bất động sản trước hết phải tự cứu mình trước khi chờ chính sách cứu.