Nhưng có vẻ như nền bóng đá đang lấy những thước đo của quá khứ để đánh giá chứ không chịu cập nhật thực tế hiện tại.
Không dám thay đổi
7 năm trước, Công Vinh bước vào độ chín của sự nghiệp. Cùng với các đồng đội cùng trang lứa, Công Vinh đã giành được ngôi vô địch AFF Cup. 7 năm sau, Công Vinh vẫn là tiền đạo số 1 của tuyển Việt Nam. Vị trí của anh là bất khả xâm phạm. Những tiền đạo mới trẻ trung hơn vẫn phải làm bạn với ghế dự bị để cầu thủ ngoài 30 tuổi cày ải suốt 90 phút của trận đấu.
Có điều, những bước chạy của Công Vinh lúc này không còn nhanh và mạnh như 7 năm trước. Dù là cầu thủ chuyên nghiệp nhưng Công Vinh vẫn không thể chống lại quy luật của thời gian. Anh tỏ ra đuối sức trước đối thủ có nền tảng thể lực sung mãn như Đài Loan. Hơn nữa, Công Vinh tỏ ra quá tải trước lối chơi thiên về thể lực và thường xuyên sử dụng các pha bóng dài vượt tuyến cho các tiền đạo đua tốc độ. Hệ quả là sau 90 phút có mặt trên sân, dấu ấn của Công Vinh tương đối nhạt nhòa. Ngoài pha chuyền bóng giúp Phi Sơn ghi bàn, Công Vinh không đáp ứng được kỳ vọng mà ban huấn luyện đội bóng dành cho mình.
Công Vinh đã luống tuổi nhưng ông Miura không dám đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ và khát khao hơn như Mạc Hồng Quân và Đình Tùng. Nếu đánh giá qua phong độ của V.League thì rõ ràng, hai cầu thủ trẻ kia đang có hiệu suất tốt hơn Công Vinh. Thế nhưng, cái bóng của cầu thủ gốc Nghệ An là quá lớn và trong một nền bóng đá vốn nặng về những quan niệm xưa cũ thì rất khó để có được sự đổi mới.
Chẳng dám thừa nhận
Trong và sau trận đấu với Đài Loan, có một câu mà ngay cả giới chuyên môn cũng hay sử dụng là "tuyển Việt Nam đá kém quá, bế tắc quá". Một câu nói thể hiện sự chỉ trích với phong độ của tuyển Việt Nam. Một nhận xét tưởng rất trúng, nhưng lại phản ánh một tư duy có phần ảo tưởng vốn đang thịnh hành ở bóng đá Việt Nam. Đó là người ta chỉ cần dựa trên bảng xếp hạng FIFA chứ không quan tâm đến sức mạnh và phong độ hiện tại của một đội bóng. Nghĩa là, khi tuyển Việt Nam cao hơn Đài Loan 27 bậc thì đương nhiên chúng ta phải mạnh hơn đối thủ. Thế nên, họ chẳng quan tâm đến việc, Đài Loan từng cầm hòa CHDCND Triều Tiên một năm trước. Hơn thế nữa, đội bóng ấy có đến 7 cầu thủ nhập tịch trong đó đa phần đến từ Trung Quốc, nước có nền bóng đá rất mạnh.
Vậy nên, nếu tỉnh táo sẽ thấy, thật may mắn khi Việt Nam giành chiến thắng trước Đài Loan. Và cũng chẳng thể nói, Việt Nam bế tắc trước đối thủ bởi thực tế trên sân cho thấy, các học trò của ông Miura không hề lấn lướt đối phương. Họ có tấn công đâu mà gọi là bế tắc. Thậm chí, chính Đài Loan mới là người nhập cuộc chủ động và vây hãm đối phương.
Bóng đá Việt Nam thường có hai cung bậc cảm xúc rất trái ngược. Trước một số đội bóng thì tự tin đến mức không dám phô diễn tư chất cá nhân. Nhưng nhiều thời điểm, họ lại tự tin đến mức tự mãn và không cần biết đối thủ là ai, đang có gì. Và cứ đà này, chẳng biết đến bao giờ nền bóng đá mới thuộc lòng được câu: "Đời phải biết mình là ai".
Một pha tranh bóng trong trận đấu giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc).
|