Kinhtedothi - U23 đang trở thành bệnh viện, nhiều người đang đổ lỗi cho ông Miura vì đưa ra những bài tập quá nặng. Thế nhưng, nếu quan sát kỹ thì sẽ thấy, chính ông Miura đang là nạn nhân của một nền bóng đá chưa biết lấy cầu thủ làm tâm điểm của sự phát triển.
Lê “thân tàn” lên Tuyển
Đến thời điểm hiện tại, có đến 1/3 quân số của U23 bị chấn thương. Hai cầu thủ dạn dày kinh nghiệm và được kỳ vọng nhiều nhất ở VCK U23 châu Á là Võ Huy Toàn và Hồ Ngọc Thắng đã rời đội ngay sau buổi khám sức khỏe. Rồi, một loạt cầu thủ khác gồm: Duy Mạnh, Xuân Trường, Công Phượng và mới đây nhất là Tuấn Anh bị chấn thương, ảnh hưởng đến luyện tập.
Việc nhiều cầu thủ bị chấn thương khiến một bộ phận dư luận đã lớn tiếng chỉ trích vị HLV trưởng người Nhật Bản đưa bài tập quá nặng. Thậm chí có người còn cho rằng, ông phải chịu trách nhiệm với hành vi hủy hoại cầu thủ, hủy hoại đội bóng có quân ở Tuyển. Luôn ám ảnh với những ca chấn thương của cầu thủ, dư luận muốn có được lời giải cho tình trạng U23 bị biến thành bệnh viện. Và họ dễ dàng tìm được câu trả lời, đó là… đổ lỗi cho ông Miura!
Vậy nhưng, những người am hiểu tình hình thì cho rằng, căn nguyên của vấn đề không phải là những bài tập quá nặng. Các cầu thủ vốn đã bị vắt kiệt sức lực trong màu áo CLB rất dễ bị chấn thương khi mà U23 bắt đầu chu kỳ huấn luyện về thể lực. Rất nhiều trong số đó đã bị quá tải và chấn thương ngay trước ngày tập trung ở Tuyển. Nói đâu xa, Duy Mạnh đã bị chấn thương ở giải U21 quốc tế nhưng nay bị coi là thương binh dưới thời ông Miura. Rồi, Tuấn Anh bị chấn thương trong trận chung kết U21 quốc tế, sau đó lại có một tuần hành xác tại Nhật Bản, và khi trở lại Tuyển đã dính chấn thương nặng sau một cú sút bóng vô thưởng vô phạt... Tất cả đều có nguyên do nhưng người ta không chịu hiểu bản chất vấn đề mà luôn dễ dàng đẩy quả bóng trách nhiệm lên đầu ông Miura.
Đừng coi cầu thủ như quả chanh
Ít người đặt câu hỏi: Vì sao các cầu thủ HAGL hay những người thường xuyên ăn cơm Tuyển luôn bị chấn thương? Xin thưa, các cầu thủ HAGL chưa bao giờ được đánh giá cao về thể lực. Những cầu thủ trụ cột như Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường đã trải qua một năm bận rộn với 50 - 60 trận đấu. Với cơ địa của cầu thủ Việt Nam cùng việc không được đào tạo về sức bền, các cầu thủ HAGL luôn ở tình trạng “hết pin” khi thi đấu tốc độ cao và thường xuyên đối diện với chấn thương nặng. Một cầu thủ khác là Duy Mạnh của Hà Nội T&T cũng lâm vào tình trạng quá tải và chấn thương sau một mùa giải căng mình trên quá nhiều mặt trận.
Vấn đề đặt ra là lâu nay, các đội bóng không coi trọng công tác y tế trong thi đấu. Các bác sĩ của đội chỉ đảm nhiệm vai trò sơ cứu, tiêm thuốc giảm đau cho cầu thủ chứ không có vai trò tư vấn, giám sát công tác tập luyện thi đấu. Họ không đưa ra được những cảnh báo cần thiết, thậm chí là quyết định việc cầu thủ có đủ sức để nuốt khối lượng vận động lớn hay không. Cũng chính vì điều này mà tình trạng chấn thương của cầu thủ Việt Nam khi phải tập nặng rất cao.
Xem ra bóng đá Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc tạo ra một cơ chế để thu hút đầu tư từ xã hội thì việc coi cầu thủ là trung tâm của sự phát triển cũng cần được tính đến. Bởi không ai khác, chính họ mới mang đến thành công cho đội bóng.
Tuấn Anh (giữa) bở dở buổi tập vì bị chấn thương.
|