Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bức xúc nhiều, trách nhiệm vẫn… chung chung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.

Bước đầu có chuyển biến

Phó Thủ tướng cho biết, trước và trong 3 kỳ họp trên, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đều có báo cáo trả lời về các vấn đề được yêu cầu.

Đến nay, các nội dung trong nghị quyết chất vấn của QH đã cơ bản được thực hiện nghiêm túc, từng bước đạt được kết quả quan trọng. Nhưng cũng có nhiều nội dung đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực và kiên trì thực hiện như: Lộ trình giá với hàng hóa thiết yếu, quản lý thủy điện, thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, nhà ở xã hội, quá tải bệnh viện, y đức, xử lý trật tự an toàn giao thông…

 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc Báo cáo của Chính phủ về chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc Báo cáo của Chính phủ về chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, các ĐB Quốc hội bên cạnh việc đánh giá cao những chuyển biến trong công tác quản lý điều hành cũng đã tập trung phân tích rõ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các các bộ, ngành. Theo đó, một số vấn đề “nóng” dư luận như thủy điện, đầu tư công và y đức được các ĐB đặc biệt quan tâm.

Rất ít người nhận trách nhiệm

ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) quan tâm đến việc thu hồi các dự án bỏ hoang, trả lại đất cho người nông dân. Ông đề nghị tất cả các địa phương có dự án bỏ hoang thì kiên quyết thu hồi, chống lãng phí. ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho biết, kỳ họp trước, ông đã chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư về các quy định chi ngân sách và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra nợ đọng song ông chưa nhận được trả lời và yêu cầu làm rõ trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, đánh giá các công trình không hiệu quả, lãng phí là rất khó vì thường phải thanh tra và cần thời gian mới đánh giá được. Về việc xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan, Bộ trưởng cho biết, phục vụ cho việc giám sát tối cao về sử dụng trái phiếu Chính phủ của Quốc hội, Bộ đã có báo cáo gửi Quốc hội, trong đó có kèm báo cáo của các địa phương nhưng cũng thấy rất ít người nhận trách nhiệm, có nhận thì cũng chung chung, chưa cụ thể. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân gây ra nợ đọng là do địa phương quyết định công trình nhưng không căn cứ vào nguồn lực; không làm kế hoạch 5 năm mà làm hàng năm và ghi ngân sách T.Ư bố trí, khi cân đối không được thì thành dàn trải…

ĐB Đỗ Văn Đương cũng nêu về tình hình ngập lụt tại miền Trung hiện nay và đặt vấn đề, liệu tình trạng ngập lụt có phải do thủy điện xả lũ không? Theo ông, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan không thể vì lợi ích nhỏ mà hi sinh lợi ích lớn của vùng hạ lưu. Ông đề nghị truy cứu trách nhiệm rất nặng với những trường hợp làm sai, làm trái.

Do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đi công tác nên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chỉ trả lời về việc ban hành chính sách di dân, tái định cư ở những vùng làm thủy điện. Bộ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT và  Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát di dân, tái định cư ở các công trình thủy điện và đang lập đề án chính sách, giải pháp ổn định đời sống cho dân, dự kiến trong tháng 12 tới sẽ nghiệm thu đề án, từ đó sẽ có các chính sách khắc phục khó khăn, xử lý tồn tại; đồng thời Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành việc sửa đổi chính sách liên quan đến công tác di dân, tái định cư với các công trình thủy lợi, thủy điện nói chung.

Lời cảnh tỉnh cho ngành y

Dù không có tên trong danh sách trả lời chất vấn trực tiếp, song Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã đăng đàn trả lời sau khi một số vị đại biểu đề cập đến những vấn đề bức xúc có liên quan đến ngành y, đặc biệt là sự xuống cấp về y đức.
Bức xúc nhiều, trách nhiệm vẫn… chung chung - Ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Theo Bộ trưởng, vấn đề y đức, đặc biệt là vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, dù nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp, dù khách quan hay chủ quan thì người đứng đầu Bộ Y tế đều có liên quan trách nhiệm. "Vụ Cát Tường là sự mất nhân tính chứ không chỉ là đạo đức ngành y, nó đã gây đau đớn cho tất cả ngành y, tất cả cán bộ y tế đều không tin đó là sự thật", Bộ trưởng nói và cho rằng đây là một lần cảnh tỉnh toàn bộ ngành y tế vượt qua khó khăn và quyết tâm sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm. Bộ cũng đang biên soạn tài liệu về đạo đức ứng xử nghề nghiệp ngành y. "Nhiều người hỏi là tại sao cần phải có quy định riêng, vì ngành nào cũng cần có đạo đức, nhưng vì đặc thù của nghề thầy thuốc, chúng tôi vẫn quyết tâm ban hành. Bởi nếu có sửa hỏng một cái máy thì chỉ hỏng cái máy đó thôi, còn nếu sai sót của bác sĩ có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng con người", Bộ trưởng thể hiện quyết tâm.

Người đứng đầu ngành y tế cũng cho biết đã thiết lập đường dây nóng cả ba cấp, người dân có thể gọi trực tiếp để phản ánh. Riêng thời gian qua đã nhận hơn 1.000 cuộc gọi, 50% người dân phản ánh thái độ không tốt của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tổ chức 11 lớp quy tắc ứng xử đạo đức cho 6.000 cán bộ.

"Chúng tôi cảm nhận sâu sắc là y đức là vấn đề rất lớn. Mong đại biểu và cử tri có cái nhìn khoan dung và toàn diện hơn, bởi hàng năm với khối lượng rất lớn các ca khám chữa bệnh thì chắc chắn có tai biến và có cán bộ y tế “con sâu làm rầu nồi canh”, Bộ trưởng nói.