Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bùng nổ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi có Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ĐTTTRNN) đã đánh dấu sự bùng nổ của loại hình đầu tư mới này. ĐTTTRNN của Việt Nam tăng trung bình giai đoạn 2006 - 2015 là 52%/năm.

Mới đây nhất, ngày 13/3/2018, tập đoàn FPT đã khai trương văn phòng đại diện thứ 6 tại TP Hamamatsu, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản. Trước đó, ngày 7/11/2017, tập đoàn CMC cũng mở văn phòng đầu tiên tại TP Yokohama, tỉnh Kanagawa và dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 1.000 nhân viên làm việc cho thị trường Nhật Bản. Hiện có khoảng 20 DN công nghệ thông tin Việt Nam đã mở chi nhánh tại Nhật Bản. Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), đến năm 2020, xuất khẩu phần mềm Việt Nam từ mốc 300 triệu USD có thể đạt doanh thu 1 tỷ USD; số lập trình viên làm việc cho thị trường Nhật Bản có thể tăng từ 10.000 lên đến 300.000 lập trình viên…
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Từ vị thế DN Việt chỉ “quanh quẩn” đầu tư trong nước, nay xu hướng các DN Việt muốn đầu tư quốc tế và nhiều nước chủ động mời gọi, xúc tiến thu hút DN Việt đầu tư cũng ngày càng đậm nét hơn. Theo Bộ KH&ĐT, hiện Việt Nam có gần 1.200 dự án ĐTTTRNN vào 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với lũy kế tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 22 tỷ USD và vốn thực hiện khoảng hơn 30%. Riêng quý I/2018, cả nước có 23 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 123,6 triệu USD, bên cạnh đó có 5 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 25,9 triệu USD. Tính chung vốn cấp mới và tăng thêm, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài trong quý I năm nay đạt 149,5 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105 triệu USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,9 triệu USD, chiếm 13,3%; lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 12 triệu USD, chiếm 8%; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đạt 8,5 triệu USD, chiếm 5,7%. Trong quý I/2018 có 16 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, dẫn đầu là Lào chiếm 53,5% tổng vốn đầu tư; Campuchia chiếm 17,3%; Cuba chiếm 13,3%; Australia chiếm 8%.

Theo kết quả khảo sát Top 500 DN lớn nhất Việt Nam 2016 của Vietnam Report, có tới 45% DN có khát vọng đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm tới, nhất là Canada, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Nga…

Bản chất của hội nhập quốc tế là tạo bình đẳng thuận lợi tốt nhất và cân bằng cho dòng chảy hai chiều “vào” và “ra” khỏi một quốc gia cả về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và cả lao động… ĐTTTRNN có nhiều tiềm năng và phù hợp xu hướng hội nhập, nhất là trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia. ĐTTTRNN đang và sẽ giúp các DN tăng cơ hội tiếp cận, phản ứng nhanh nhạy hơn với biến động thị trường và chính sách, các rào cản kỹ thuật, các tranh chấp thương mại và khác biệt văn hóa trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đồng thời tạo lập và củng cố các liên kết chuỗi và hệ thống phân phối, mở rộng thị trường, tận dụng công suất và năng lực, mở ra cơ hội kinh doanh, tạo việc làm và nguồn thu nhập mới, góp phần phát triển, nâng cao vị thế đất nước…