Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bùng nổ tín dụng tiêu dùng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Chỉ thị 01/2019/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2019, Thống đốc NHNN lại yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải nghiên cứu bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng của người dân. Động thái “cởi trói” của cơ quan quản lý đối với tín dụng tiêu dùng chắc chắn sẽ thúc đẩy thị trường này bùng nổ trong thời gian tới.

 Người tiêu dùng thanh toán thẻ tín dụng tại siêu thị Co.opMart Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Sẽ cán đích 1 triệu tỷ đồng
Giới chuyên gia cho rằng, việc “cởi trói” cho tín dụng tiêu dùng là hoàn toàn hợp lý. Sở dĩ như vậy là bởi tín dụng tiêu dùng có vai trò rất quan trọng đối với người dân, DN và cả nền kinh tế. Nhu cầu tín dụng tiêu dùng là rất lớn với quy mô dân số lên tới gần 100 triệu dân, mức sống của người dân cũng ngày một tăng cao cùng với đà tăng trưởng nhanh của nền kinh tế.
Để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay tiêu dùng, các TCTD, công ty tài chính cần kiện toàn hệ thống kỹ thuật quản lý hồ sơ khách hàng, thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng. Người tiêu dùng phải hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước khi quyết định sử dụng dịch vụ. 

TS. Đỗ Hoài Linh - Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân

Với người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp, tín dụng tiêu dùng sẽ giúp họ có khả năng mua sắm những hàng hóa cần thiết có giá trị cao, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng và cải thiện đời sống. Với các hộ kinh doanh cá thể cũng vậy, do không phải là pháp nhân để có thể tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, qua kênh cho vay tiêu dùng, họ vẫn có thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng để phát triển kinh doanh. Đối với sản xuất kinh doanh, việc phát triển cho vay tiêu dùng đồng nghĩa với việc tăng sức mua của người dân, góp phần kích thích chi tiêu tiêu dùng của người dân, từ đó tạo nên sự sôi động cho thị trường hàng hóa, tạo nguồn sống cho khu vực sản xuất trong nước, qua đó tăng năng lực sản xuất của quốc gia, đồng thời tạo sức hút cho đầu tư nước ngoài…

“Tăng các khoản vay tiêu dùng sẽ đẩy nhanh luân chuyển hàng hóa và thúc đẩy sản xuất. Dự kiến, thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019. Ngoài ra, việc phát triển tín dụng tiêu dùng qua kênh chính thống cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển tài chính toàn diện, góp phần tích cực hạn chế tín dụng đen”- TS Trương Văn Phước - Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia chia sẻ.

Kiểm soát rủi ro, phát triển lành mạnh

Ông Nguyễn Xuân Thành (Giám đốc phát triển, trường Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, trong thời gian tới, xu thế tăng trưởng tín dụng tiêu dùng là đúng quy luật. Vấn đề ở đây là làm thế nào để các ngân hàng có đủ năng lực kiểm soát rủi ro ở lĩnh vực này theo đúng sự chuyển dịch của nền kinh tế. Phải kiểm soát rủi ro, hạn chế những vấn đề liên quan đến lãi suất, phương thức thu hồi nợ và quản lý nợ, tránh phát sinh nợ xấu.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, để phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng đúng hướng và lành mạnh, cần sớm ban hành Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện; thực hiện tốt Đề án 1726 về tiếp cận dịch vụ ngân hàng, Nghị quyết 42 của Quốc hội và Quyết định 1058 về tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, Quyết định 986 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược ngành NH đến 2025; Hoàn thiện khung pháp lý cho các FinTech và các sản phẩm tài chính mới; nâng cao nhận thức, văn hóa vay tiêu dùng nhằm góp phần giảm tín dụng đen, đồng thời tăng cường giáo dục tài chính.

NHNN đang khảo sát các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh về tình hình tín dụng tiêu dùng, đồng thời thu thập các ý kiến, kiến nghị từ các cơ quan hữu quan. Trước đó, đoàn khảo sát đã chọn những địa bàn trọng điểm ở khu vực phía Bắc và tới đây sẽ đến các khu vực miền Trung - Tây Nguyên… Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Trần Văn Tần cho biết, NHNN sẽ khảo sát tình hình tín dụng tiêu dùng ở nhiều địa phương để ghi nhận các ý kiến đóng góp cụ thể liên quan đến những vướng mắc về cơ chế chính sách, vướng mắc cụ thể của từng TCTD và người vay.

Theo ông Tần, từ việc bám sát thực tiễn nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống từ nhiều nguồn khác nhau, NHNN sẽ có những văn bản pháp lý và hướng dẫn cụ thể để hệ thống TCTD thực hiện đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.