Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước tiến mới để hình thành “văn hóa từ chức”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị lần thứ 6 vừa qua, Ban Chấp hành (BCH) T.Ư đã cho 3 Ủy viên T.Ư Đảng thôi tham gia BCH khóa XIII. Trước đó, các nhân sự này đều đã bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì những sai phạm trong quá trình công tác.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tự nguyện thôi tham gia BCH T.Ư là rất nên làm và đây không chỉ thể hiện tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng, cũng là tiền đề để những cán bộ yếu năng lực, kém đạo đức tự nguyện từ chức.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Kịp thời và cần thiết

Một điểm mới tại Hội nghị lần thứ 6, BCH T.Ư vừa qua, là lần đầu tiên tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý thôi tham gia BCH T.Ư Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, đối với các Ủy viên T.Ư Đảng, gồm ông: Nguyễn Thành Phong (Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư), Bùi Nhật Quang (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Huỳnh Tấn Việt (Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư). Trước đó, các nhân sự này đều đã bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì những sai phạm trong quá trình công tác.

Việc cho 3 Ủy viên T.Ư thôi tham gia BCH khóa XIII căn cứ vào quyết định hiện hành, ý kiến của các cơ quan liên quan và chủ trương của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật; trên cơ sở đề nghị của cấp ủy, tổ chức Đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ.

Như nhiều ý kiến nhận định, việc ba cán bộ cấp chiến lược ra khỏi T.Ư dù vì lý do gì cũng rất buồn, xót xa nhưng sự việc này cho thấy, Đảng sẵn sàng đưa ra khỏi đội ngũ những người không còn xứng đáng. Các nhân sự này đều bị hình thức kỷ luật, vì vậy ít nhiều uy tín giảm sút, do đó tự nguyện xin thôi và được T.Ư cho thôi tham gia BCH T.Ư khóa XIII cũng là việc nên làm.

Theo PGS.TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), đây là một bước tiến mới, mở ra những tiền lệ tốt, rất có ý nghĩa trong việc làm trong sạch bộ máy. Từ chức không phải là vấn đề mới, mà đã được Đảng ta đề cập từ nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, trong thực tế, việc miễn nhiệm, từ chức chưa được thực hiện tốt như chủ trương đã đề ra.

Tình trạng cán bộ yếu kém, không đủ năng lực, uy tín nhưng vẫn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn phổ biến ở nhiều nơi, trong các lĩnh vực. Lần này, sau khi ban hành quy định, BCH T.Ư đã đưa vào thực hiện ngay với cán bộ cấp chiến lược, dù không hẳn là từ chức nhưng vẫn được dư luận rất ủng hộ, đó chính là sự nghiêm khắc, nêu gương.

“Các trường hợp cho thôi Ủy viên BCH T.Ư lần này khác trường hợp trước đây, bởi mức kỷ luật của họ chỉ ở cảnh cáo, không phải khai trừ. Nhưng cán bộ đã mắc khuyết điểm, uy tín sẽ giảm sút, việc xem xét miễn nhiệm cán bộ, không đợi đến tuổi nghỉ hưu và cũng không đợi hết nhiệm kỳ, cũng không đợi kỷ luật là đúng. Việc này sẽ là bước tiến mới, khuyến khích cán bộ từ chức khi thấy bản thân liên đới trách nhiệm khi để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng” - PGS.TS Lê Văn Cương nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng cho rằng, có thể xem việc thực hiện Thông báo 20 như một sự mở đường để cán bộ bị kỷ luật, hạn chế năng lực, uy tín giảm sút dễ dàng nói lời từ chức, rút lui trong danh dự.

“Khi cán bộ không bị kỷ luật còn sẵn sàng nghỉ sớm để trao lại vị trí, thì những cán bộ đã bị kỷ luật nên chủ động từ chức chứ không phải đợi đến lúc tổ chức vận động hay khuyến khích, như thế mới là danh dự, tự trọng. Cán bộ được đề bạt khi xứng đáng, nhưng khi đã không còn xứng đáng thì nên bước ra, phải thông được tư tưởng ấy mới có thể gỡ được nút thắt trong công tác cán bộ" - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nêu.

Ảnh minh họa. 
Ảnh minh họa. 

Để từ chức trở thành “chuyện bình thường”

Từ sự việc lần này, nhiều người kỳ vọng sẽ "mở đường", tạo ra tiền lệ mới, hình thành nên văn hóa từ chức; không chỉ ở cấp T.Ư, mà sẽ lan tỏa xuống địa phương. Như PGS.TS Lê Văn Cương nhận định, từ chức là vấn đề rất văn minh, không phải bất thường.

 

Việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” và ngược lại là chuyện bình thường trong công tác cán bộ. Tôi cho rằng, với việc T.Ư nghiêm túc thực hiện quy định mới về miễn nhiệm, từ chức ngay với Ủy viên BCH T.Ư có thể mở đường để từng bước hình thành văn hóa từ chức đối với cán bộ mắc khuyết điểm. Việc từ chức, chủ động xin rút khỏi vị trí cũng là thể hiện tính nêu gương, nhưng cũng là để nâng cao kỷ luật của Đảng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

Việc từ chức khi không còn đủ uy tín cũng là thực hiện trách nhiệm nêu gương. Với việc Bộ Chính trị ban hành và đưa vào triển khai ngay Quy định 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW về "Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật" có nhiều điểm mới. Qua đó tạo ra một cơ chế mà những người còn đương chức nhưng không xứng đáng với chức vụ đang đảm nhiệm thì phải từ chức hoặc bị miễn nhiệm.

Và quy định này không chỉ áp dụng cho cán bộ cấp chiến lược mà có thể được áp dụng rộng rãi cho cán bộ tất cả các cấp, không chỉ ở cơ quan Đảng, đoàn thể mà còn ở cơ quan hành chính, gắn với văn bản hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, với việc T.Ư lần đầu tiên áp dụng các quy định này với 3 Ủy viên vừa qua cũng mở đường để từng bước hình thành văn hóa từ chức đối với cán bộ mắc khuyết điểm.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, để vượt qua những rào cản của việc từ chức với những người không còn đủ năng lực, uy tín, những cơ chế cụ thể như Quy định 41 chính là cơ sở quan trọng. Khi chúng ta thực hiện cơ chế này, lâu dần sẽ hình thành nếp quen, nếp bình thường trong xã hội. Lúc đó, cán bộ cũng tự mình thay đổi trong nhận thức để tự giác nhận trách nhiệm, từ chức khi cảm thấy không còn đủ xứng đáng, để giữ lòng tự trọng và thanh danh, không để tổ chức phải xử lý kỷ luật.

Nhiều cán bộ, đảng viên khác cũng bày tỏ sự tin tưởng, sự việc cho 3 cán bộ thôi tham gia BCH T.Ư vừa rồi sẽ là tiền đề trong việc thực hiện nghiêm túc Quy định 41, Kết luận số 20 của T.Ư. "T.Ư làm nghiêm túc như vậy thì tôi tin rằng ở bên dưới cũng sẽ làm nghiêm túc theo.

Tới đây, việc một cán bộ nào đó bị kỷ luật, uy tín giảm sút xin từ chức sẽ trở thành nền nếp, thường xuyên, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ. Đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân" - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

 

Đã đến lúc nên coi từ chức trong cán bộ là văn hóa và là sự tự trọng của người đảng viên. Các quy định, thông báo mới của Bộ Chính trị chính là "cẩm nang" cho mỗi cán bộ suy nghĩ về bản thân mình. Nếu cán bộ có tự trọng, còn liêm sỉ mà cảm thấy bản thân vi phạm kỷ luật, năng lực hạn chế, yếu kém, dư luận có ý kiến phải suy nghĩ lại. Bởi việc từ chức chính là cuộc đấu tranh tự thân của chính các cán bộ này.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an), PGS.TS Lê Văn Cương