Cà Mau: Chiếm rừng phòng hộ nuôi sò, Chủ tịch tỉnh 3 lần chỉ đạo nóng

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ông Huỳnh Quốc Việt vừa ký công văn lần thứ 3 yêu cầu xử lý dứt điểm việc các hộ dân tự ý bao chiếm khu vực bãi bồi thuộc đất rừng phòng hộ đê biển Tây để nuôi sò huyết.

Khu vực rừng phòng hộ bị người dân tự bao chiếm nuôi sò huyết
Khu vực rừng phòng hộ bị người dân tự bao chiếm nuôi sò huyết

Ngày 8/4, nguồn tin báo Kinh tế và Đô thị cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt vừa ký công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Phú Tân về việc khẩn trương xử lý dứt điểm việc các hộ dân tự ý bao chiếm khu vực bãi bồi thuộc đất rừng phòng hộ để nuôi sò huyết.

Nhà của người dân tự ý bao chiếm đất rừng phòng hộ đang được tháo dỡ
Nhà của người dân tự ý bao chiếm đất rừng phòng hộ đang được tháo dỡ

Theo nội dung công văn, việc giải toả dứt điểm các dụng cụ, vật tư bao chiếm đất rừng phòng hộ trái phép, trả lại hiện trạng ban đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có ý kiến chỉ đạo tại công văn ngày 13/3 nhưng việc tháo dỡ chưa được xử lý triệt để.

Do đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Phú Tân và các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát, đảm bảo xử lý dứt điểm; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 10/4. Nội dung công văn nhấn mạnh: “Sau thời gian này, nếu chưa hoàn thành việc xử lý hoặc để phát sinh, thủ trưởng sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.”

Vẫn còn nhiều cọc bao ngăn ở khu vực rừng phòng hộ
Vẫn còn nhiều cọc bao ngăn ở khu vực rừng phòng hộ

Trước đó, ngày 29/3 Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng có công văn chỉ đạo lần 2 liên quan đến các hộ dân tự ý bao chiếm khu vực bãi bồi thuộc đất rừng phòng hộ để nuôi sò huyết nhưng việc xử lý buộc tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu vẫn rất chậm... Tiến độ xử lý đã không đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh khi hạn chót là ngày 1/4.

Theo tìm hiểu của báo Kinh tế và Đô thị, khu vực người dân tự ý bao chiếm nuôi sò huyết kéo dài từ cửa biển Sông Đốc đến đầu Kênh Quản Thép, với chiều dài bao chiếm gần 2km (thuộc khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời).

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, vị trí bao chiếm kéo dài từ cửa biển Sông Đốc đến đầu Kênh Quản Thép với chiều dài bao chiếm gần 2km (thuộc khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời). Đoạn bao chiếm thuộc khoảnh 16, tiểu khu 5B nằm trong diện tích đất rừng của Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Biển Tây. Khu vực này nằm trong bờ kè chắn sóng để gây bồi tạo bãi khôi phục lại rừng (khu vực này đã bị sóng biển xoáy sạt lở, hiện tại không có cây rừng).

Theo xác định của cơ quan chức năng, hai hộ dân là N.T.E (48 tuổi, ngụ tại khóm 11, thị trấn Sông Đốc) đã tự ý bao chiếm 30,50 ha và N.V.L (64 tuổi, ngụ ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), bao chiếm diện tích 0,3 ha.

Ngày 31/3, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Chúng tôi đã thành lập đoàn đi kiểm tra và buộc các hộ nuôi sò huyết phải tháo dỡ toàn bộ, trả lại hiện trạng ban đầu.”

Đoàn kiểm tra ghi nhận các hộ nuôi vi phạm theo Luật phòng, chống thiên tai tại khoản 4, Điều 12 về các hành vi cấm “lấn chiếm bãi sông, lòng sông, tạo vật cản, cản trở dòng chảy” và theo luật Đê điều tại khoản 3, Điều 23. Cụ thể ở đây là hành lang bảo vệ đối với kè bảo vệ đê.

Cây cọc đang được cơ quan chức năng thu gom
Cây cọc đang được cơ quan chức năng thu gom

Theo ghi nhận, hiện nay, các chủ nuôi đã tiến hành tháo dỡ chòi canh, mở lưới bao chiếm hạ xuống sát mặt nước. Tuy nhiên, cây tràm cặm bao chiếm vẫn còn, chưa khôi phục trả lại hiện trạng khu vực bãi bồi.

Khu vực bao chiếm nằm trong  bờ kè chắn sóng của đê biển Tây
Khu vực bao chiếm nằm trong  bờ kè chắn sóng của đê biển Tây

Ngày 13/3, UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo lần thứ nhất yêu cầu các địa phương và cơ quan chức năng kiểm tra việc các hộ dân tự ý bao chiếm khu vực bãi bồi thuộc đất rừng phòng hộ để nuôi sò huyết. Trong công văn này, Chủ tịch tỉnh yêu cầu UBND huyện Trần Văn Thời phối hợp Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ đê biển Tây giải tỏa dứt điểm các dụng cụ, vật tư bao chiếm đất rừng phòng hộ trái phép để nuôi sò huyết (lưới bao, nhà chòi, con giống…), trả lại hiện trạng ban đầu để Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ đê biển Tây tổ chức quản lý đúng quy định.