Cà Mau: Nhiều khó khăn, du lịch vẫn tăng ngoạn mục

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mặc dù còn nhiều khó khăn về hạ tầng du lịch và các điều kiện phát triển khác, song ngành du lịch tỉnh Cà Mau vẫn đi theo quỹ đạo tăng tốc. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã thu hút gần 1.200.00 lượt khách du lịch, bằng kế hoạch cả năm 2022.

Cột cờ Hà nội tại Mũi Cà Mau
Cột cờ Hà nội tại Mũi Cà Mau

Chiều ngày 3/7, trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Trần Hiếu Hùng Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: “Uớc đến 30/6/2023, tổng khách đạt 1.165.450 lượt, tăng 36,18% so cùng kỳ 2022; đạt 66,6% so kế hoạch năm 2023. Tổng thu du lịch ước đạt 1.520 tỷ đồng, tăng gần 33% so cùng kỳ 2022; đạt gần 77% so kế hoạch năm 2023.”

Lễ hội bánh dân gian Nam bộ - thành công của ngành du lịch Cà Mau
Lễ hội bánh dân gian Nam bộ - thành công của ngành du lịch Cà Mau

Thực hiện kế hoạch đột phá

Để thực hiện tốt công tác phát triển du lịch, ngành chuyên môn tỉnh Cà Mau đã xác định kế hoạch phát triển ngay từ cuối năm 2022, sau đó tham mưu đề xuất cho tỉnh triển khai thực hiện đến tận cơ sở. Từ đó, các nhiệm vụ được triển khai đều trên cơ sở kế hoạch và phân giao nhiệm vụ rõ ràng, tiến độ thực hiện được đảm bảo thông suốt nên kết quả đã đạt cao vượt mong đợi.

Du lịch sinh thái, dân dã đang thu hút khách 
Du lịch sinh thái, dân dã đang thu hút khách 

Theo ông Hùng, kết quả đạt được do trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Giám đốc Sở này đã chỉ đạo tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm phát triển ngành du lịch, thu hút du khách.

Trong đó, nổi bật như: Kế hoạch của Tỉnh ủy về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2023; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943 - 2023); Kế hoạch UBND tỉnh về tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch; Tổ chức hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2023 và trong 03 năm 2023 – 2025; Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là (1963 – 2023); Kế hoạch phát triển du lịch, Chương trình xúc tiến du lịch, Chương trình sự kiện “Cà Mau – Điểm đến năm 2023”; Kế hoạch đón chuyến bay đầu tiên trong sự kiện kết nối đường bay Hà Nội - Cà Mau;…

Du khách thưởng thức món ong rừng U Minh tại chỗ
Du khách thưởng thức món ong rừng U Minh tại chỗ

Để cụ thể hóa thực hiện, Sở đã ban hành hơn 2.700 văn bản. Trong đó tiêu biểu như: Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025", thực hiện năm 2023; Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch"; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023; tổ chức Ngày hội gia đình tỉnh Cà Mau lần thứ VI; Kế hoạch tổ chức Bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch tại điểm; Tổ chức Đoàn trải nghiệm và khám phá điểm đến du lịch Cà Mau nhân sự kiện đón chuyến bay đầu tiên kết nối đường bay Hà Nội - Cà Mau; thực hiện chương trình liên kết, hợp tác phát triển văn hoá, thể thao, du lịch với các địa phương có chương trình hợp tác; các kế hoạch về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm…

Dâu Cái Tàu, điểm check  in thu hút đông đảo khách du lịch là giới trẻ
Dâu Cái Tàu, điểm check  in thu hút đông đảo khách du lịch là giới trẻ

Nâng tầm các hoạt động du lịch

Theo ông Hùng, công tác chỉ đạo điều hành lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đều dựa trên cơ sở chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm được xác định cụ thể và sự chỉ đạo quyết liệt, từ đó đã đem lại kết quả khả quan. Nhất là hệ thống các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều hoạt động tích cực. Đã tổ chức thành công nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ bà con nhân dân , đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; kỷ niệm các ngày lễ lớn; đặc biệt, chuỗi các hoạt động   kỷ niệm 80 năm ngày ra đời “Đề cương về Văn hoá Việt Nam” năm 1943 đã góp phần tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của văn hoá trong hai cuộc kháng chiến, trong sự nghiệp đổi mới và trong định hướng phát triển trong tương lai.

Lễ hội Nghinh Ông hàng năm tại Sông Ông Đốc là một trong những điểm mốc thu hút khách du lịch

Mặt khác, công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản tiếp tục được chú trọng thông qua các hoạt động như: Triển khai lập đề án tu bổ, tôn tạo Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước và tại Lung Lá Nhà Thể; trưng bày, ngoại khóa giáo dục truyền thống , tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích…

Chính vì thế, tình hình hoạt động du lịch có những bước chuyển động khởi sắc và đặc biệt trong 6 tháng đầu năm có nhiều kỳ nghỉ lễ dài ngày, thuận lợi cho người dân, du khách tham quan, vui chơi ở các khu, điểm du lịch khác nhau trong tỉnh. Công tác truyền thông, quảng bá kích cầu du lịch nội địa được đẩy mạnh đồng thời cùng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, thương mại thuộc Chương trình Sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023” được tổ chức quy mô lớn, trang trọng, cùng với đó việc khai thác chuyến bay thương mại Cà Mau – Hà Nội, Tàu cao tốc Cà Mau – Nam Du – Phú Quốc,…đã tạo điều kiện kích cầu, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến Cà Mau.

Du khách trực tiếp lấy ong và thưởng thức, loại hình du lịch trãi nghiệm đang thu hút du khách ở Cà Mau

Khó khăn vẫn còn phía trước

Là tỉnh cực Nam của đất nước, nơi có vị trí địa lý sông ngòi chằng chịt. Tuy thuận lợi về du lịch nhưng đây lại là điểm khó khăn chí tử khi chi phí đầu tư hạ tầng du lịch buộc phải lớn hơn nhiều so với tỉnh khác. Chính vì thế, các cơ sở hạ tầng lưu trú, dịch vụ ăn uống và mua sắm, các hoạt động vui chơi tại các điểm du lịch chưa nhiều.

Trong khi đó, sản phẩm du lịch đặc trưng còn ít, đơn địệu thiếu tính chuyên nghiệp, chưa tạo dấu ấn để thu hút khách lưu lại, thiếu sự đổi mới trong phát triển tour tuyến. Các sản vật địa phương mới chỉ chế biến theo phương pháp truyền thống, chưa có nhiều sáng tạo, cải tiến để thu hút, đáp ứng nhu cầu ẩm thực ngày càng cao của du khách.

Điểm dừng chân Tư Tỵ ở Rạch Gốc Ngọc Hiển. Cà Mau có nhiều điểm du lịch sinh thái tương tự, nhưng đều nằm dưới tán rừng nên chủ doanh nghiệp khó có thể vay vốn để mở rộng phát triển.
Điểm dừng chân Tư Tỵ ở Rạch Gốc Ngọc Hiển. Cà Mau có nhiều điểm du lịch sinh thái tương tự, nhưng đều nằm dưới tán rừng nên chủ doanh nghiệp khó có thể vay vốn để mở rộng phát triển.

Đặc biệt, nhân lực ngành du lịch còn thiếu số lượng và yếu về chất lượng, công tác tuyển chọn bổ sung nhân lực cho ngành du lịch còn nhiều khó khăn vì nhiều lý do khác nhau. Chưa kể, do tình hình dịch bệnh, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ có sự dịch chuyển, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khó tìm nhân lực thay thế đảm bảo yêu cầu.

Mặt khác, việc xã hội hóa và huy động các nguồn lực để đầu tư, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch chậm chuyển biến, từ đó nhiều hoạt động của ngành gặp khó khăn.

Điểm du lịch Đầm Thị Tường, nhiều nhà đầu tư đã không mặn mà khi còn vướng nhiều cơ chế
Điểm du lịch Đầm Thị Tường, nhiều nhà đầu tư đã không mặn mà khi còn vướng nhiều cơ chế

Mới đây nhất, ngày 1/7/2023, tại buổi gặp mặt doanh nghiệp do UBND tỉnh Cà Mau tổ chức, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành du lịch đã nêu thực trạng khó khăn cụ thể cần sớm tháo gỡ. Theo đó, hầu hết các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại tỉnh Cà Mau đều nằm trong diện tích rừng. Cơ sở không thể thế chấp vay vốn bằng quyền sử dụng đất, muốn mở rộng không dễ. Bên cạnh đó, để đến được những điểm du lịch, đường đi cũng khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tỵ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ - Xây dựng - Du lịch  Tư Tỵ (chủ điểm dừng chân Tư Tỵ, xã Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) cho biết: “Phải làm sao để đường về Đất Mũi thuận tiện, đảm bảo xuyên suốt thì khách mới đến được. Dù có đường thuỷ về Đất Mũi, khách phải tốn thêm thời gian, tiền bạc, và đâu phải ai cũng thích.”

Cũng theo ông, để đầu tư mở rộng, nâng cấp xây dựng ở đây không dễ, theo ông Hôn. Bởi, diện tích đất khai thác du lịch còn là đất rừng, không thể tác động. Nếu không có vốn thì khó làm, bởi không thể thế chấp quyền sử dụng đất rừng.

Đặc sản cá đồng U Minh
Đặc sản cá đồng U Minh

Theo ông Trần Hiếu Hùng, thì không chỉ khó khăn về hạ tầng kết nối du lịch, mà tỉnh Cà Mau còn khó tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược để làm khu du lịch có đủ tầm vóc, sức hút và khả năng cạnh tranh để khai thác đúng lợi thế, tiềm năng. “Đơn cử như đầm Thị Tường, kỳ vọng là rất lớn nhưng mời gọi đầu tư chưa được. Hay như Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, nhà đầu tư rất quan tâm, nhưng vướng cơ chế, chính sách đành thoái lui” – ông Hùng nói.

Ông Trần Hiếu Hùng Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau: "Ngành du lịch tỉnh Cà Mau còn khó khăn về nhiều mặt."
Ông Trần Hiếu Hùng Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau: "Ngành du lịch tỉnh Cà Mau còn khó khăn về nhiều mặt."

Đẩy mạnh đột phá cuối năm

Để giữ đà tiến cho nhưng năm tiếp theo, ngành du lịch Cà Mau vẫn tiếp tục phấn đấu vượt bậc, phát huy lợi thế kết quả 6 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, sẽ tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm UBND tỉnh giao. Như chuẩn bị tốt điều kiện tổ chức các sự kiện trong Chương trình Sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023” như: Festival Tôm – Cà Mau 2023; Giải Đất Mũi Marathon – Cà Mau 2023 và các hoạt động hưởng ứng.

Tích cực triển khai các nhiệm vụ về trùng tu, tôn tạo di tích; các giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa; hoàn thành hồ sơ trình công nhận các di tích cấp tỉnh và tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Vía Bà Thủy Long và Nghề làm Tôm khô tỉnh Cà Mau; thực hiện kế hoạch nhân rộng hoạt động ngoại khóa.

Tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau; xây dựng nhiệm vụ Đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cấp phần mềm cổng thông tin du lịch Cà Mau. Tăng cường liên kết, quảng bá, tổ chức đa dạng các sự kiện kích cầu phát triển du lịch, nhất là các hoạt động trong Chương trình sự kiện Cà Mau – điểm đến 2023.