Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cả TP Hà Nội vào chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 12/8, trên toàn TP đã ghi nhận gần 14.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 7 ca tử vong.

Các chuyên gia nhận định, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Sáng nay (12/8), 30 quận huyện, thị xã đã huy động cả hệ thống chính trị thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy.
Huy động các lực lượng
Tại buổi kiểm tra của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý sáng 12/8 tại quận Hà Đông về công tác phòng chống dịch SXH, Phó Chủ tịch bày tỏ lo lắng trước việc phun thuốc diệt bọ gậy, muỗi trưởng thành tại các khu đất xen kẹt, nhà bỏ hoang, các công trường xây dựng trên địa bàn quận còn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ tại Hà Đông, nhiều quận nội thành khác cũng đang gặp tình trạng tương tự. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch SXH bùng phát mạnh. Do vậy, tại buổi làm việc sau đó, Sở Y tế Hà Nội đã kiến nghị TP cho phép cưỡng chế những bãi đất kẹt, nhà hoang để dập dịch hiệu quả.
 Phun thuốc diệt muỗi.
Tại quận Đống Đa, Phó Chủ tịch phường Trung Liệt Hoàng Hoài Loan cho biết, sau khi tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và phát phiếu cam kết hợp tác phòng chống dịch SXH đến từng nhà, đến sáng 12/8, phường đã huy động toàn thể các lực lượng từ đoàn thanh niên, hội phụ nữ phối hợp với các tổ dân phố trên địa bàn để tổng vệ sinh môi trường, tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng dịch. Các đội xung kích diệt bọ gậy của phường đã đến từng hộ gia đình để kiểm tra các ổ lăng quăng, bọ gậy và tiêu diệt nếu phát hiện.
Không chỉ tại các quận, huyện, tại các Bệnh viện trên địa bàn TP cũng đã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy và tổ kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch. Sáng 12/8, hơn 20 thành viên của đội xung kích diệt bọ gậy với thành phần nòng cốt là đoàn thanh niên của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã tổng vệ sinh các khu vực trong bệnh viện nơi mà các ổ lăng quăng, bọ gậy có thể sinh sống.
Cán bộ y tế phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân tuyên truyền phòng dịch sốt xuất huyết đến người dân
Bệnh viện gồng mình chống dịch
Tại Bệnh viện Đống Đa - chuyên khoa truyền nhiễm của TP, mỗi ngày, Bệnh viện tiếp đón gần 500 bệnh nhân nghi SXH đến khám, trong đó khoảng 20% trường hợp phải nhập viện. Hiện tại 75% bệnh nhân nội trú đang điều trị tại viện là bệnh nhân mắc SXH. Đặc biệt, tại khoa Truyền nhiễm, dù đã kê thêm 35 giường, nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm ghép 2 đến 3 người/1 giường. Phòng làm việc của bác sỹ cũng được kê thêm giường gấp để bệnh nhân nằm truyền dịch. Toàn bộ giường, chăn chiếu, quạt của nhân viên y tế cũng được huy động để bệnh nhân dùng.
Tương tự, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng phải nằm ghép từ 2 đến 3 bệnh nhân/1 giường mặc dù đã kê thêm giường vào phòng làm việc của y, bác sỹ và đã triển khai khu điều trị ban ngày. Mỗi ngày, Bệnh viện này khám và điều trị cho hơn 500 bệnh nhân SXH. Đặc biệt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, trong số hơn 2.000 bệnh nhân nhập viện điều trị SXH tuần qua có đến 80,7% là người dân Hà Nội.
 Bệnh viện quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết
Với số lượng gần 2.000 người mắc SXH mỗi tuần thì tình trạng các bệnh viện quá tải bệnh nhân SXH, tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép cũng là điều “khó cũng phải chấp nhận”. Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian tới khi sinh viên các trường đại học nhập học thì số ca mắc mới có thể tăng lên gấp nhiều lần.
Cần sự vào cuộc của người dân
Ngay từ đầu mùa dịch, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch trên toàn TP. Vậy nhưng, dịch vẫn bùng phát và chưa có dấu hiệu dừng lại. Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thừa nhận, mặc dù các biện pháp phòng dịch đã được triển khai quyết liệt, toàn diện song các biện pháp phòng dịch tại cộng đồng chưa được thực hiện triệt để. Các cuộc tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy còn “nặng hình thức”.
 Treo khẩu hiệu tuyên truyền tại các ổ dịch để nhắc nhở người dân
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH cần sự tham gia tích cực hơn nữa của cả cộng đồng. Bởi vì, nếu như các cấp chính quyền, ngành y tế vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được 90%, nhưng chỉ còn 10% người dân phản đối hoặc thực hiện theo kiểu ứng phó không chủ động diệt muỗi, bọ gậy dịch bệnh vẫn có thể bùng phát. Muỗi tại các hộ gia đình sẽ tiếp tục sinh sôi và phát triển. Như vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ rất vất vả, dịch bệnh tiếp tục hoành hành, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của người dân và cả cộng đồng…
“Do bệnh SXH hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có cả thuốc điều trị đặc hiệu, nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Khi nghi ngờ SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch, điều trị tại nhà.”- ông Nguyễn Nhật Cảm lưu ý.