Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cả xã hội cùng chung tay

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/2, lần đầu tiên hội nghị về công tác phòng chống, lây lan dịch nCoV tại các cơ sở Phật giáo được tổ chức, với sự góp mặt của không chỉ Giáo hội Phật giáo, mà còn cả đại diện Bộ Y tế, Bộ VHTT&DL và rất nhiều sư trụ trì các chùa trên cả nước. Điều này cho thấy động thái phối hợp hành động để cùng chăm lo sức khỏe cho cộng đồng. Tất cả đều mang quyết tâm không để dịch bệnh lây lan từ các hoạt động tập trung đông người của lễ hội hay khóa tu.

 Ảnh: Lại Tấn
Từ góc nhìn của ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đánh giá cao công tác phòng chống dịch đối với cơ sở thờ tự Phật giáo, cơ sở tôn giáo. Hầu hết các cơ sở đã thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngoài ra, việc nhà chùa tổ chức phát khẩu trang cho Nhân dân và phật tử, tạm dừng các lễ hội, khóa tu đông người, chỉ tổ chức các khóa cầu nguyện quốc thái dân an… là động thái rất tích cực. Tuy nhiên, ông Tuyên cho rằng, việc phòng chống, lây lan dịch bệnh cần có thêm những khuyến cáo thêm cho tăng ni phật tử và Nhân dân thực hiện rửa tay xà phòng nhiều lần để diệt trùng, không nhất thiết phải là nước sát khuẩn để hạn chế “cơn sốt” không đáng có trên thị trường.
Dù mùa hội đầu Xuân Canh Tý, ở các chùa rất vắng du khách nhưng đại diện Giáo hội Phật giáo hay lãnh đạo Bộ VHTT&DL đều không cho đó là buồn, mà đánh giá nhận thức của các sư trụ trì đã nâng lên, mang lại niềm tin tốt nhất cho cộng đồng về thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, thu hẹp dịch, không để điều đáng tiếc xảy ra. Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: Ngay khi xuất hiện tình trạng dịch bệnh có khả năng lây lan, Giáo hội đã yêu cầu các lễ hội quy mô lớn quốc gia như: Chùa Hương, Yên Tử, Tam Chúc dừng và giảm quy mô tổ chức. Ban Trị sự đã chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội tỉnh Vĩnh Phúc - nơi tâm điểm của dịch, dừng mọi hoạt động, kể cả lễ giỗ Tổ. Các chùa chỉ làm lễ cầu quốc thái dân an thường nhật. Nhà chùa khuyến cáo người dân khi thực hành nghi lễ tâm linh thời dịch vẫn có thể đeo khẩu trang, không ảnh hưởng niềm tin tâm linh, không bất kính với đức Phật.
Bên cạnh những điểm sáng, vẫn có những hành động không mấy đẹp mắt tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Đó là lễ tu tập hồi hướng hóa giải dịch tại chùa Ba Vàng, được đánh giá là lợi dụng dịch bệnh để có những hành động đi trái với quan điểm khoa học, làm lợi cho cá nhân. Ngoài ra, việc phát túi nilon bọc giầy xong thu lại tái sử dụng cho du khách ở chùa Ba Vàng cũng khiến dịch bệnh dễ lây lan. Còn tại chùa Tam Chúc, dù lượng người đến hành hương vẫn đông nhưng không có bảng khuyến cáo phòng, chống dịch...
Có thể nói, ý thức cộng đồng mới chính là nét đẹp và sức mạnh của một dân tộc. Nét đẹp và sức mạnh ấy đã được phát huy từ sự thiện hảo của lòng người trong thời khắc khó khăn này. Chính vì vậy, Giáo hội Phật giáo và các bộ, ngành đều mong muốn nhân lên nét đẹp đó, để tạo ra sức mạnh tập thể vì một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng.