Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của TP

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 3/12, thảo luận tại Tổ Đại biểu số 5 (gồm các quận Tây Hồ, Hoàng Mai, huyện Gia Lâm, huyện Mê Linh, huyện Hoài Đức) trong chương trình Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội, các đại biểu (ĐB) đã cho một số ý kiến về vấn đề kinh tế, xã hội, giao thông, đô thị thông minh. Tham dự thảo luận tại đây có ĐB Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội.

Đại biểu Đoàn Văn Trọng (Mê Linh) nêu vấn đề về kế hoạch năm 2020 tăng giá trị sản xuất trên địa bàn TP và địa bàn huyện. Cụ thể, trên địa bàn huyện Mê Linh có khu quy hoạch công nghiệp Quang Minh 2 được quy hoạch từ năm 2002 nhưng chưa triển khai được, ĐB đề nghị TP có chỉ đạo quyết liệt để triển khai khu công nghiệp này, cũng như xem xét năng lực của chủ đầu tư. Vì việc quy hoạch từ rất lâu như vậy sẽ ảnh hưởng đến người nông dân cũng như là các nhà đầu tư.
“Các nhà đầu tư cũng rất muốn vào khu công nghiệp đó, vì trước đó, khu công nghiệp Quang Minh 1, một năm cũng có khoảng 23 nghìn tỷ giá trị sản xuất và thu ở đây, theo chỉ tiêu huyện được giao thì một năm là 500 tỷ chưa kể tiền thuế đất. Khu công nghiệp như vậy có nguồn thu ổn định, đất chúng ta có nhưng chưa quyết liệt trong dự án này nên duyệt quy hoạch cho khu công nghiệp này, các sở ngành thẩm định lại để các khu này sớm đưa vào hoạt động, có lợi cho TP và huyện cả về giá trị sản xuất và thu ngân sách, đề nghị TP có chính sách dành đất cho công nghiệp, ưu tiên về ngân sách đầu tư, đường làng, điện, nhà văn hóa để động viên người dân…” – ĐB Đoàn Văn Trọng nêu. Cũng theo ĐB Đoàn Văn Trọng, trên địa bàn huyện có mấy chục dự án đô thị chậm triển khai, xử lý ở mức độ chưa quyết liệt. Ngoài ra, đối với đất dịch vụ, huyện đang đề xuất với Thủ tướng để có cơ chế thống kê với người dân để trả các dịch vụ, giải pháp đầu tư hạ tầng để lấy được đất, thu hồi đất để làm hạ tầng, chia đất cho người dân… Vì vậy, ĐB này đề xuất làm hạ tầng kết hợp với đấu giá.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi thảo luận.
Cũng tại buổi thảo luận, ĐN Trần Thị Vân Hoa Tây Hồ bày tỏ đồng tình với các báo cáo, đánh giá, báo cáo thẩm tra của các ủy ban, đặc biệt là ban kinh tế ngân sách, tuy nhiên tốc độ tăng GRDP chưa đạt kỳ vọng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp và dịch vụ chưa đạt được, chỉ số hiệu quả hành chính công rất thấp vì thế ĐB Vân Hoa đề ra 3 giải pháp. “Thứ nhất là cần làm rõ nguyên nhân trong việc sử dụng không hiệu quả các nguồn lực xã hội, chúng ta mới chỉ giải ngân được 39%, chúng ta sử dụng không tốt đồng tiền đó, đó là tội với dân, nguồn tiền có nhưng không giải quyết được các dự án, mới hoàn thành được 80% dự án. Chúng ta lý giải là không có tiền nhưng thực tế là do chúng ta giải ngân.” Vì thế ĐB đề nghị UBND TP làm rõ hơn nữa nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị trong triển khai các dự án này. Cùng đồng ý với ý kiến trên, ĐB Nguyễn Văn Thắng (Tây Hồ) đề nghị TP làm rõ nguyên nhân sử dụng không hiệu quả nguồn lực của TP, TP bố trí các dự án và nguồn tiền ngân sách của TP, các dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến phát triển của TP, đồng thời ảnh hưởng đến Nhân dân, Nhân dân có quyền trách chính quyền vì có tiền mà không làm được.

Một vấn đề nữa, chúng ta cần tập trung tháo gỡ tiến độ cổ phần hóa nhà nước, năm vừa qua chỉ có 1/31 DN hoàn thành việc thoái vốn, việc cổ phần hóa gặp rất nhiều khó khăn, ĐB đề nghị năm 2020, UBND TP cần quyết liệt giải quyết vấn đề này nếu không nguồn lực của xã hội, của nhà nước tồn đọng ở chỗ này rất lớn. Theo ĐB Vân Hoa, trong năm tới, TP cần kiên quyết giải phóng các dự án chậm triển khai, để đất hoang hóa làm tổn thất nguồn lực nhà nước và gây ra bức xúc trong xã hội, đặc biệt là dự án dân sinh. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong các vấn đề nóng như: ùn tắc giao thông, nhà chung cư. ĐB Vân Hoa dẫn chứng, hiện nay, theo thông báo của Bộ Xây dựng vào tháng 6/2019, tại Hà Nội, 52% nhà chung cư thương mại chưa bàn giao quỹ bảo trì 2% vì nếu không giải quyết được nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề quản lý nhà chung cư và trật tự đô thị, 154 nhà chung cư chưa bàn giao diện tích sử dụng chung khiến người dân bức xúc. “Những vấn đề này không khó gì để giải quyết nhưng nhiều người dân phản ánh không hiểu vì lý do gì mà không giải quyết được” – ĐB Vân Hoa nêu.

Vấn đề thứ ba theo ĐB Vân Hoa, các thông tin về đầu tư, triển khai hoạt động đô thị cần công khai để người dân cùng biết, cùng giám sát, cần kiến nghị Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù chính quyền đô thị cho Hà Nội để triển khai thực hiện.

ĐB Phạm Đình Đoàn (Tổ Hoàng Mai) đề xuất về vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo, 29500 lượt công dân đến khiếu nại tố cáo, chúng ta nên tổ chức một hội đồng ở cấp quận để giải quyết những vụ kiện kéo dài 10-20 năm chưa giải quyết được để không kéo dài mãi các vụ kiện, để giải quyết dứt điểm các vụ kiện, chứ lên cơ quan trung ương, cơ quan công an ảnh hưởng đến an ninh xã hội. Thứ hai là vấn đề hướng đến TP thông minh, theo ĐB Đình Đoàn, chúng ta cần có một trung tâm giám sát trí tuệ thông minh, mà thông qua chính là Nhân dân bằng phương tiện công nghệ 4.0, sử dụng trí tuệ Nhân dân, nhiều ý kiến của người dân rất hay, có thể đóng góp vào trung tâm, đây là điều cần thiết cho đô thị của chúng ta.

Với vấn đề kẹt xe và tắc đường, đối với TP có kế hoạch đến năm 2030, theo ĐB Đình Đoàn: “tôi nghĩ nếu những cái này chúng ta đều thấy từng ngày từng giờ, từ 2 đến 5 năm nữa mà chúng ta không giải quyết được thì 10 triệu dân Hà Nội sẽ rất oán mình”. Việc hạn chế phương tiện ô tô, xe máy ở các nước như người ta vẫn làm như Singapore, ngoài giá xe rất cao còn cần những chỉ tiêu nhất định, ĐB Đình Đoàn đưa ra dẫn chứng và cho rằng, TP cần nghiêm túc nghiên cứu việc này khẩn trương để song song xây dựng TP mới, giãn đô thị, giảm tải… mà không giảm thiểu ô tô xe máy chạy ngoài đường sẽ gây ô nhiễm môi trường, tắc đường… . Ví dụ ở Tokyo, một ngày có hơn 10 triệu người đi tàu điện ngầm mà bên trên vẫn tắc, nhưng Hà Nội mình không có tàu điện ngầm, đường trên cao mãi chưa xong, và vài năm nữa thì không thể đi được nữa, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. TP cần xây dựng lộ trình để giải quyết ùn tắc giao thông khả thi, trình HĐND qua từng năm.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Gia Lâm) cho ý kiến về vấn đề cổ phần hóa nhà nước. “Chúng ta rất bi quan về vấn đề thoái vốn và cổ phần hóa nhà nước” – ĐB Quốc Bình cho biết. Thủ tướng ra Nghị quyết từ nay đến năm 2020 cơ bản thực hiện được cổ phần hóa nhưng trong 3 năm Hà Nội thực hiện thì năm sau giảm hơn năm trước, năm 2019 gần như không thực hiện được. Theo ĐB Quốc Bình, quá trình cổ phần hóa chậm là do định giá đất chậm. “Chúng ta đổ lỗi cho doanh nghiệp và các sở ngành, tuy nhiên tôi nghĩ, lỗi chậm đều do chính quyền hết. Vì Nghị định có rồi, nhưng khi làm lại không dám ký, không dám quyết định, không ai dám đốc thúc. Chúng ta chỉ còn có một năm nữa thôi, theo tôi, chính quyền mà không giải quyết tích cực thì năm 2020 không thể xong được.”

ĐB Quốc Bình đề nghị lãnh đạo TP cần phải có những thống nhất giữa ý chí lãnh đạo và xử lý, phải có những cuộc họp thường xuyên giữa ban đổi mới với các sở ngành để tháo gỡ khó khăn, mời các bộ ngành xuống để cùng giải quyết và tháo gỡ vướng mắc ngay. “Chúng ta phải là người chủ động trước, chính sách gì vướng mắc thì phải đề nghị, đề xuất luôn cho ban đổi mới để họp cùng tháo gỡ, nếu chúng ta không quyết liệt thì đến năm 2020 cũng không hi vọng tiến triển hơn.” – ĐB Quốc Bình cho biết.

Cũng theo ĐB Quốc Bình, trong GRDP của chúng ta thì có chỉ số công nghiệp và dịch vụ không đạt chỉ tiêu, báo cáo bổ sung UBND TP thì tăng trưởng có, đạt chỉ tiêu nhưng nói chung vẫn ở mép dưới, tức là mép thấp. Kinh tế dịch vụ và kinh tế công nghiệp là cốt lõi của mọi nền kinh tế và trong công nghiệp 4.0 thì chủ yếu là kinh tế dịch vụ vì trí tuệ nhân tạo, giải pháp thông minh biến thành dịch vụ để làm cho cuộc sống của con người tiện lợi hơn. “Để chúng ta thúc đẩy phát triển kinh tế CN và kinh tế dịch vụ thì phải thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. Hiện nay CNTT là nền tảng của cách mạng 4.0 và kinh tế dịch vụ, TP đầu tư phát triển nhưng sự thúc đẩy phát triển chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của chúng ta. Cần xây dựng các nền tảng và có chính sách phát triển rõ ràng, rành mạch từng bước một, từng năm một.” – ĐB Quốc Bình cho biết.

Cũng theo ĐB Quốc Bình, thúc đẩy phát triển công nghiệp gắn nhiều vấn đề, chúng ta gắn vấn đề đầu tư, chính sách hỗ trợ DN, thị trường đầu ra, vấn đề liên kết sản xuất… trở thành khâu phân công lao động quốc tế. “Các việc đó phải có kế hoạch, có chương trình, mục tiêu đặt ra để làm sao DN của chúng ta phải phát triển, nâng cao năng suất lao động, tăng được giá trị sản xuất công nghiệp, chúng ta không đẩy được ứng dụng khoa học công nghệ thì khó tạo ra lợi thế lao động của đội ngũ trí thức Thủ đô.” – ĐB Quốc Bình nhấn mạnh.

Đại biểu Thích Chiếu Tuệ (Tổ Hoàng Mai) chia sẻ về vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo. Theo Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ “Nếu chúng ta không giải quyết căn cơ thì không phải một năm tăng lên vài trăm vụ án mà cấp số sẽ ngày càng tăng lên, nguyên nhân có nhiều nhưng vấn đề tuyên truyền phổ biến pháp luật là vấn đề mấu chốt, bình đẳng trong pháp luật với người cán bộ công chức và người dân. Nếu khéo giải quyết thì không cần chạy lên cấp TP, bộ, ngành. Người dân cần phải hiểu đúng về pháp luật, thượng tôn pháp luật.”

Vấn đề tăng trưởng âm về nông nghiệp, ĐB Nguyễn Văn Thắng (quận Tây Hồ) cho biết: “Cần phải đánh giá xem các DN đầu tư vào nông nghiệp của Hà Nội, vì sao họ không đầu tư? Việc thực hiện triển khai vùng quy hoạch chuyên canh như thế nào? Vấn đề nông nghiệp cần được quan tâm bài bản hơn. “Ta đi làm rất nhiều mô hình như chất lượng chưa có, cần rà soát lại, đánh giá lại việc này. Giải pháp đến năm 2020 cần có giải pháp gì để triển khai quy hoạch các vùng chuyên canh? Cần có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, giảm khoảng cách giàu nghèo nông thôn và đô thị, tập trung cho du lịch làng nghề. Có kế hoạch về tái đàn lợn sau dịch.” – ĐB Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh. Ngoài ra, ĐB Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị TP tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo cho hết thẩm quyền, "phường hết thẩm quyền của phường, quận hết thẩm quyền của quận, TP hết thẩm quyền của TP. Quan trọng là tiếp dân và đối thoại với dân. Cần tập trung chỉ đạo giải quyết từng việc." - ĐB Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Các ý kiến trao đổi tại tổ rất sôi nổi, rất thẳng thắn, sâu sắc. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Tuấn, về vấn đề kinh tế, việc dịch vụ thương mại rất quan trọng, nhưng vấn đề công nghiệp mà các đồng chí nêu cũng rất cần thiết, đầu tư công nghiệp trúng sẽ làm giá trị kinh tế của chúng ta tăng lên rất nhiều, Khu công nghiệp Quang Minh 1 có giá trị là 230000 tỷ đồng, chỉ cần một khu công nghệp đã thấy rất hiệu quả, trong quy hoạch của Thủ đô đến năm 2030, chúng ta có 33 khu công nghiệp, nhưng việc chọn nhà đầu tư như nào rất quan trọng.

Thứ hai là vấn đề liên quan đến đô thị, theo ĐB Nguyễn Ngọc Tuấn, Hà Nội là siêu đô thị, nên các chỉ tiêu đều được đánh giá hết, giao thông có tốt không, môi trường thế nào, VSATTP ra làm sao. “Đô thị chúng ta lưu ý về vấn đề quy hoạch, chúng ta phải làm vì Hà Nội có nhiều quy hoạch lắm, tập trung làm, chuyên đề về vấn đề này rất quan trọng, Hà Nội phải đi đầu, đi trước, mang tính ổn định, lâu dài.” – ĐB Nguyễn Ngọc Tuấn nêu. Đối với vấn đề ùn tắc giao thông, theo ĐB Nguyễn Ngọc Tuấn, phải xử lý được phương tiện vận tải công cộng, việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cũng rất khó. Hiện nay tuyến Hà Nội, Cát Linh do Bộ làm phải đẩy nhanh lên, tuyến Nhổn-Ga Hà Nội đưa vào khai thác trước cũng sẽ giúp thay đổi nhận thức của người dân.

Liên quan đến các vụ việc phức tạp, giải quyết khiếu nại tố cáo và tiếp dân. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Tuấn: “Chúng ta phải kéo quận huyện vào giải quyết.”