Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các giải pháp đang phát huy tác dụng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong tháng 10, lượng hàng tồn kho đã giảm, cho thấy những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề này của Bộ Công Thương đề ra đã có kết quả khả quan. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải tại cuộc họp báo do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29/10.

Hiệu quả từ cam kết tiêu thụ hàng của nhau

Tính đến 1/10, chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp (CN) chế biến, chế tạo tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 20,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, chỉ số này đã giảm 0,1% so với 8 tháng. Hiện lượng hàng tồn kho ngành đường giảm 38,4%; sản xuất thiết bị truyền thông giảm 73,2%; điện tử dân dụng giảm 14,2%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 11,1%; xe có động cơ giảm 5,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 23,5%...

Quyết tâm dừng những dự án thủy điện gây tác động xấu đến môi trường

Xung quanh thông tin dư luận gần đây về việc dừng thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, đại diện Tổng cục Năng lượng cho rằng: Bất kỳ dự án đầu tư nào trước khi triển khai đều cần xem xét các yếu tố phát triển quy hoạch ngành, hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng tới môi trường ra sao. Về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, hiện chủ đầu tư đã trình Báo cáo tác động môi trường đến Bộ Tài nguyên & Môi trường để có đánh giá cuối cùng.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: Hiện các doanh nghiệp trong ngành đã có số lượng hợp đồng khá lớn đến cuối năm. Mặc dù ngành lương thực vẫn còn tồn đọng một lượng hàng tồn kho nhất định, nhưng điều này không đáng quan ngại bởi đây là hàng nằm trong lượng hợp đồng đã ký.

Theo ông Nguyễn Tiến Vị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương, nguyên nhân khiến lượng hàng tồn kho trong tháng 10/2012 giảm so với tháng trước do một số ngành đã chủ động điều tiết sản xuất. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có giải pháp ưu tiên sử dụng sản phẩm giữa các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương. Đơn  cử, trong thời gian qua, để tiêu thụ hàng tồn kho, các doanh nghiệp sản xuất điện máy đã kết hợp với các siêu thị điện máy liên tục tung ra các chương trình khuyến mại dành cho nhiều đối tượng khách hàng. Nhờ đó sức tiêu thụ của ngành hàng này đã tăng trở lại. Lượng sản xuất máy giặt tăng 30,6 %; tủ lạnh, tủ đá tăng 14,2 % so với tháng 9...

Các giải pháp đang phát huy tác dụng - Ảnh 1

Doanh nghiệp sản xuất kết hợp với siêu thị đưa ra nhiều chương trình khuyến mại giúp giảm lượng hàng tồn kho. Ảnh: Hoài Nam

Tiếp tục chủ động các giải pháp

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương, lượng hàng tồn kho của một số ngành vẫn tăng cao như: Bia tăng 35,2%; vải dệt thoi 33%; may trang phục 48,3%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 55,1%; xi măng tăng 53,1%; sắt, thép, gang tăng 38,8%...  Điều đó cho thấy, việc đưa ra các giải pháp tiêu thụ hàng tồn kho trong thời gian từ nay đến cuối năm vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành công thương.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn kho, ông Nguyễn Nam Hải cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam''; Đề xuất với Ngân hàng Nhà nước cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất một cách dễ dàng; Đẩy mạnh việc thực hiện Thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các doanh nghiệp thuộc Bộ; Yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng dân cư trong những tháng cuối năm...

Đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho rằng, chủ trương tăng cường tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau giữa các doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu là hai kênh rất quan trọng để giảm tồn kho. Theo bà Lê Hoàng Anh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương, để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm bạn hàng, tiêu thụ sản phẩm, trong những tháng cuối năm, Cục sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ ở thị trường nước ngoài mà cả ở  thị trường trong nước.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã dành 79,93 tỷ đồng cho hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút 2.500 doanh nghiệp tham gia, qua đó đã ký được 28.000 hợp đồng kinh tế với giá trị 223,4 triệu USD, điều đó cho thấy hoạt động xúc tiến thương mại là một kênh hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong hoạt động này. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp này, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường kiểm soát thị trường tốt hơn nữa như: Phối hợp với ngành Hải quan để ngăn chặn hiệu quả các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu chất lượng thấp, giá rẻ tràn vào thị trường; Tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao.

Để thực hiện hiệu quả việc giải quyết "đầu ra" cho sản phẩm, bên cạnh sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, bản thân các doanh nghiệp cần bám sát tình hình thực tế, khai thác tốt năng lực sản xuất, nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất...

Không tăng giá điện trong tháng 11

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định: Sau khi rà soát chi phí giá điện từ lần điều chỉnh giá gần đây nhất (tháng 7/2012) đến nay, EVN nhận thấy chi phí phát điện trong các tháng 7, 8, 9/2012 thấp hơn so với kế hoạch. Sau khi cân nhắc các yếu tố lỗ của EVN trong năm 2010 và việc tăng giá bán than cho điện gần đây, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN không điều chỉnh giá điện trong tháng 10 và 11/2012.

Hiện, EVN đang tính toán các chi phí sản xuất kinh doanh của tháng 10 để có những đề xuất về điều chỉnh giá điện sau tháng 11/2012 nếu cần thiết.