Khoán doanh thu không đúng thực tế dẫn đến giảm trợ giáCông văn gửi Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Giám đốc GTVT, Sở Tài chính, Liên minh HTX và Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Trung tâm - PV) về việc xem xét khối lượng đặt hàng và kinh phí trợ giá năm 2018 (lần 2), có nội dung: “Tiếp theo văn bản số 199/CV-HTX ngày 2/10, của các đơn vị vận tải xe buýt về việc xem xét khối lượng đặt hàng và kinh phí trợ giá năm 2018. Ngày 9/10, Sở GTVT có triệu tập cuộc họp cùng đại diện Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Liên minh HTX, Trung tâm cùng các đơn vị vận tải xe buýt (đơn vị) về tình hình trợ giá xe buýt năm 2018.
Theo đó, cuộc họp chưa giải quyết được các kiến nghị cũng như giải pháp về tình hình trợ giá năm 2018 mà các đơn vị đề xuất (trong đó, đáng chú ý nhất là việc khoán doanh thu giá cao không đúng với thực tế nên dẫn đến việc trợ giá giảm nghiêm trọng. Từ đó các HTX không đủ chi phí để duy trì cho xe buýt hoạt động). Do đó, các đơn vị vận tải xe buýt tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhiều điểm.
Đó là: Đề nghị cấp bổ sung kinh phí trợ giá cho chênh lệch nhiên liệu mà các đơn vị đã chi trả trước cho nhà cung cấp trong quá trình hoạt động; Đề nghị cấp tiền trợ giá bổ sung nguyên giá cho các xe buýt mà các xã viên đã đầu tư theo đề án 1.680 từ năm 2014; Áp dụng mức khoán doanh thu theo nguyên tắc tăng kỳ vọng 20% khối lượng (theo thông báo số 1926/TB-SGTVT ngày 20/4/2018), nguyên tắc này các đơn vị cùng Trung tâm đã thống nhất ký biên bản thương thảo lần 1 vào ngày 23/8/2018.
Đối với tuyến đã đầu tư từ năm 2012, khi Trung tâm áp dụng nguyên tắc tính toán kỳ vọng về khoán doanh thu cho tuyến 54 chi có 10% (thay vì 20%). Các đơn vị đề nghị nếu áp dụng nguyên tắc tính này, thì cần phải áp dụng chung cho các đơn vị xe buýt đã có đầu tư mới cùng thời điểm như trên là từ năm 2012-2013.
Cần cắt giảm, dừng hoạt động tuyến xe không hiệu quảCông văn của các đơn vị vận tải HKCC còn kiến nghị: Trích lập luận của Trung tâm về cách tính dự toán đã gửi email cho các đơn vị vận tải: “Đối với tuyến xe buýt số 127 và số 128, theo lập luận của Trung tâm vì tuyến 2 tuyến này được đề xuất mức tăng sản lượng năm 2018 là 20% (thay vì 25%), để bù đắp chi phí cho đơn vị quản lý 2 tuyến này. Đồng thời không điều chỉnh tăng thêm 3,1% khối lượng theo thẩm định của Sở Tài chính cho toàn hệ thống.
Ngoài ra, Trung tâm không phân bổ thêm 14,7% doanh thu khoán trên 2 tuyến này như các tuyến khác là không phù hợp và không bình đẳng với lý do không thuyết phục; Đối với các tuyến xe buýt không hiệu quả, đề nghị Sở GTVT và Trung tâm chủ động cắt giảm hoặc cho ngưng hoạt động để tiết kiệm ngân sách cho những tuyến hoạt động hiệu quả.
“Đến nay, xã viên của các HTX đang gặp rất nhiều khó khăn, nợ nần phát sinh vượt quá khả năng chi trả cho các nhà cung cấp nhiên liệu, vật tư, lương người lao động... nên các đơn vị xe buýt sẽ có văn bản đề nghị giảm chuyến trên nhiều tuyến để không làm tăng áp lực trả nợ do các đối tác cung cấp nhiên liệu, vật tư đã thông báo ngừng cung cấp.
Tại văn bản 3405/UBND-ĐT ngày 27/7/2008 của UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo việc bổ sung kinh phí trợ giá cho xe buýt năm 2018 phải đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí cho doanh nghiệp theo quy định. Do đó, các đơn vị xe buýt đề nghị các Sở, ngành phải thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh.
Đối với những tuyến xe buýt cũ chưa đầu tư mới thì chúng tôi sẽ không còn động lực và ý định để tiếp tục đầu tư theo kế hoạch. Chúng tôi đề nghị trả lại luồng tuyến cho Nhà nước và không tiếp tục hoạt động do thua lỗ kéo dài. Riêng đối với các tuyến xe buýt đã lỡ đầu tư mới, đề nghị lãnh đạo TP tiếp tục giới thiệu các nhà đầu tư có năng lực về tài chính để chúng tôi chuyển nhượng và thu hồi lại số vốn chúng tôi đã bỏ ra trước đây”, văn bản của 9 đơn vị vận tải xe buýt kiến nghị.
Tăng 3.000 đồng/vé của 2 tuyến cự ly 35km từ ngày 1/11Từ ngày 1/11 trở đi có 2 tuyến xe buýt được điều chỉnh tăng giá vé từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/vé, là tuyến 13 (Công viên 23/9 - Bến xe Củ Chi) và tuyến 94 (Bến xe Chợ Lớn - Bến xe Củ Chi).Ông Nguyễn Văn Triệu - Giám đốc HTX Vận tải 19/5 cho biết, 2 tuyến xe buýt được điều chỉnh tăng 3.000 đồng/vé đều có cự ly trên 35Km (dài) và là tuyến có trợ giá. Các tuyến này là tuyến xe buýt nhanh, thời gian dừng đỗ ở các trạm ít. Thông thường trên 18Km đã có giá 6.000 đồng/vé, việc tăng 3.000 đồng/vé cũng còn rẻ vì giá nhiên liệu hiện nay tăng khá cao. Trong 2 tuyến xe buýt được tăng giá là tuyến 94 có cự ly 36,1km, với 207 chuyến hoạt động từ 4h đến 20h30 phút, do HTX Vận tải 19/5 và HTX Vận tải Việt Thắng đảm nhận. Tuyến còn lại là tuyến số 13 thuộc HTX Vận tải xe buýt và dịch vụ Quyết Tiến, mỗi ngày có 150 chuyến hoạt động từ 3h30 phút đến 20h30 phút.Cũng theo ông Triệu, đối với vé tập dành cho đối tượng là học sinh, sinh viên, giá vẫn giữ nguyên 112.500 đồng/tập 30 vé. Việc tăng 3.000 đồng/vé đối với tuyến có cự ly trên 35Km thì hành khách vẫn chấp nhận, giá này không cao. |