KTĐT - Theo Đông y, hẹ có tính ấm, tác dụng trợ thận, bổ dương, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm. Trong lá hẹ cũng bao gồm nhiều chất đạm, đường, vitamin A, C và chất xơ.
Rau gia vị ngoài việc dùng làm nguyên liệu để nấu hoặc ăn kèm với các món ăn còn được sử dụng như những phương thuốc dân gian chữa bệnh rất hiệu quả, nhất là chứng cảm hoặc say nắng.
1. Tía tô
Lá tía tô rửa sạch, thái nhỏ ăn cùng vớicháo thịt băm nhỏ cùng ít lát gừng, củ hành, ăn nóng giúp giải cảm. Hoặc dùng lá tía tô tươi giã nát vắt lấy nước, hòa chút muối uống chữa bụng đau do đầy trướng. Lá khô đem tán nhỏ cũng cho tác dụng cầm máu.
2. Hương nhu
Hương nhu vị cay, tính hơi ôn. Lá hương nhu tươi (100 - 300g) rửa sạch vò nát, vắt lấy nước, thêm ít nước đun sôi để nguội, dùng uống có thể trị say nắng.
3. Hẹ
Lá hẹ cũng có vị cay, hơi chua, hăng. Theo Đông y, hẹ có tính ấm, tác dụng trợ thận, bổ dương, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm. Trong lá hẹ cũng bao gồm nhiều chất đạm, đường, vitamin A, C và chất xơ.
Người ta dùng lá hẹ hấp cơm lấy nước cho trẻ uống khi bị ho. Để trị cảm mạo, ho do lạnh dùng 250g hẹ, gừng tươi 25g, cho thêm ít đường hấp chín, ăn cái, uống nước. Đau răng: Lấy 1 nắm hẹ (cả rễ) giã nhuyễn, đặt vào chỗ đau, đặt liên tục cho đến khi khỏi. Bị ghẻ: lá hẹ 50g, rau cần 30g, giã nát đắp lên chỗ tổn thương, ngày 2 lần.
4. Lá lốt
Có vị nồng, hơi cay, tính ấm, cho tác dụng giảm đau, chống hàn, cảm lạnh, nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu.
Lá lốt được dùng để nấu nước, ngâm tay chân cho người bị bệnh tê thấp, hay đổ mồ hôi tay, mồ hôi chân. Hoặc dùng lá tươi giã nát, phối hợp với lá khế, lá đậu ván trắng, mỗi thứ 50g thêm nước gạn uống giải độc, chữa say nắng.