KTĐT - Để biết có rụng trứng hay không, bạn có thể dựa vào các triệu chứng như: kinh nguyệt có đều hay không, ra chất nhầy giữa chu kỳ kinh, nhiệt độ cơ thể, siêu âm sự phát triển nang noãn và xét nghiệm máu định lượng nội tiết. Trong đó, định lượng nội tiết, siêu âm hoặc nội soi ổ bụng sẽ giúp chẩn đoán.
Có ba nhóm nguyên nhân khiến phụ nữ khó mang thai, do vậy, chị em cần đến gặp các thầy thuốc chuyên khoa sớm để tìm ra nguyên nhân và điều trị đúng mới mang lại hiệu quả.
Không rụng trứng
Để biết có rụng trứng hay không, bạn có thể dựa vào các triệu chứng như: kinh nguyệt có đều hay không, ra chất nhầy giữa chu kỳ kinh, nhiệt độ cơ thể, siêu âm sự phát triển nang noãn và xét nghiệm máu định lượng nội tiết. Trong đó, định lượng nội tiết, siêu âm hoặc nội soi ổ bụng sẽ giúp chẩn đoán.
Khoảng 70 - 80% phụ nữ không rụng trứng do mắc hội chứng buồng trứng đa nang với biểu hiện: kinh thưa, mất kinh hoặc mọc nhiều trứng cá, lông rậm, béo bệu và kèm theo nhiều nang nhỏ được phát hiện khi siêu âm. Bên cạnh đó, phụ nữ đến tuổi sinh sản không rụng trứng còn do suy yếu vùng dưới đồi - tuyến yên ở não bộ vốn là cơ quan kích thích buồng trứng hoạt động, hoặc do tăng tiết prolactin dẫn tới ức chế buồng trứng.
Do vậy, lời khuyên đầu tiên cho chị em là hãy cố gắng thư giãn, thoải mái, tin tưởng vào thầy thuốc, điều này đóng góp 50% vào sự thành công trong điều trị vô sinh.
Tắc vòi trứng
Đây là nguyên nhân chiếm đến 40% các trường hợp vô sinh ở nữ giới và có liên quan đến tiền sử hút và nạo thai. Do vậy, phụ nữ cần thiết phải sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Nếu lỡ có thai thì nên đến hút và nạo thai ở các cơ sở y tế chuyên khoa bảo đảm an toàn. Phương pháp nội soi ổ bụng để gỡ dính tắc vòi trứng, mở thông vòi hoặc nối lại vòi… sẽ mang lại hiệu quả tốt trong các trường hợp bị tổn thương ít và nhẹ. 70% các trường hợp còn lại chỉ có thể có thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Tổn thương dính ở cổ tử cung, hoặc ở buồng tử cung
Nguyên nhân vô sinh này thường liên quan tới tiền sử hút thai và nạo thai. Dính buồng tử cung (TC) ở mức độ nhẹ là dính một phần niêm mạc buồng TC. Khi bị dính buồng TC có biểu hiện kinh ít và thưa, đau bụng khi hành kinh. Tuy nhiên, cũng có thể dính toàn bộ buồng TC với biểu hiện là mất kinh hoàn toàn sau nạo hút thai. Có những phụ nữ may mắn hơn chỉ dính một phần ngoài ống TC, không bị tổn thương đến niêm mạc TC. Trong trường hợp này, việc điều trị đơn giản hơn. Với trường hợp bị dính TC, dù một phần hay toàn bộ thì việc điều trị cũng phức tạp và tỷ lệ tái phát rất cao.
Ngày nay, với tiến bộ của y học, các tổn thương dính buồng TC đã được giải quyết bằng phẫu thuật nội soi. Để tránh dính sau mổ, bác sĩ cũng có thể đặt vòng chống dính và cho uống thuốc nội tiết để tạo kinh nhân tạo từ 4 – 5 tháng, tùy theo tình trạng tổn thương dính. Mặc dù kết quả điều trị dính buồng trứng TC đã có nhiều tiến bộ và khả quan trong những năm gần đây, nhưng nguyên nhân này cũng là nguyên nhân khiến nhiều bác sĩ chuyên ngành vô sinh trăn trở, đặc biệt là các bệnh nhân bị dính buồng TC toàn bộ.