Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các NH "nhìn nhau" tăng lãi suất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến ngày 1/12, nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động khoảng 0,3-1,2% một năm so với cuối tháng 11.

KTĐT - Đến ngày 1/12, nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động khoảng 0,3-1,2% một năm so với cuối tháng 11.

Không ồ ạt tăng lãi suất huy động trong ngày đầu áp dụng mức lãi suất cơ bản 8%, hầu hết các ngân hàng thương mại đều tỏ ra thận trọng để đảm bảo bài toán lợi nhuận.

Thực tế cho thấy các ngân hàng thương mại vẫn đang xem xét động thái của nhau để quyết định các mức lãi suất huy động. Ông Nguyễn Giang Nam, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Việt (Navibank) cho biết, sẽ có mức lãi suất huy động cao nhất là 10,5% một năm, còn tương ứng với kỳ hạn nào thì Navibank cũng đang chờ. Trong khi đó, ông Phạm Duy Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á cho rằng, nếu tất cả các kỳ hạn lên cùng mức 10,5% một năm thì chỉ có lỗ.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động đồng Việt Nam áp dụng từ ngày 26/11 với mức tăng khoảng 0,5-1,2% một năm so với tuần trước và mức cao nhất 10,5% một năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Hiện, lãi suất huy động bình quân từng kỳ hạn của các tổ chức tín dụng tăng 0,1-0,6% một năm (tuần từ 23 đến 27/11) so với tuần trước.

Tại nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, mức lãi suất huy động VND bình quân ở kỳ hạn 12 tháng là 9,3-10,5% một năm so với mức 9,6-10% tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Đến ngày 1/12, nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động khoảng 0,3-1,2% một năm so với cuối tháng 11. Lãi suất tiền gửi đồng Việt Nam tại ngân hàng Việt Á áp dụng cho các kỳ hạn 3- 4 - 5 - 6 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ thậm chí đã tiến tới mức 10,47% một năm. Song song với nâng lãi suất đồng Việt Nam, một số ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi USD trong ngày 1/12, trung bình 0,2-0,5% một năm.

Cùng với nâng lãi suất tiền gửi và tiết kiệm đồng Việt Nam, các ngân hàng cũng rục rịch điều chỉnh biểu lãi suất cho vay bắt đầu từ 1/12, mức lãi suất cho vay được đưa lên sát mức 12% một năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay USD tăng khoảng 0,1 - 0,6% một năm (tuần từ 23-27/11).

Các chuyên gia kinh tế nhận định, động thái điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp luồng tiền chảy vào ngân hàng được cải thiện. Tiết kiệm sẽ trở thành kênh đầu tư an toàn, bởi lãi suất vẫn thực dương khi lạm phát cả năm dự kiến chỉ dưới 7%, trong khi các kênh đầu tư khác nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, đại diện một số ngân hàng thương mại cho rằng, lãi suất huy động sẽ khó có thể tăng lãi suất ồ ạt, cũng như mặt bằng lãi suất không có nhiều biến động. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Hàng hải, trong điều kiện các kênh đầu tư khác đã hút một lượng vốn nhàn rỗi lớn trong dân, nguồn tiền gửi tiết kiệm sẽ không dồi dào như trước. Nếu tăng lãi suất huy động lên cao nữa, chi phí sẽ đội lên, chênh lệch với đầu ra không nhiều, thậm chí chỉ đủ bù đắp chi phí nên các ngân hàng sẽ phải cân nhắc.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á cho biết, ngân hàng này cũng đang có kế hoạch cho việc điều chỉnh lãi suất huy động vào đầu tháng 12 tới. “Song với mức đang áp dụng hiện tại là 9,99% một năm ở một số kỳ hạn, mức lãi suất huy động tăng thêm sẽ không nhiều”, bà Vân nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cứ liên tục đẩy lãi suất huy động lên, người gửi tiền sẽ “đứng núi này trông núi nọ” hoặc chọn kỳ hạn ngắn để có thể rút ra gửi ngân hàng có lãi suất cao hơn. Vấn đề còn là tăng “chất” cho các sản phẩm tiết kiệm, trong đó có sản phẩm huy động vốn dài hạn để có thể huy động được tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư.