Trong điều 10 của Dự thảo Luật Thủ đô nêu rõ "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải bảo đảm mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đạt hiệu quả cao trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm kết nối liên thông hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô với Vùng Thủ đô."
Chỉ trong 1 câu, không nên có đến 3 cụm từ "bảo đảm". Cụm từ "bảo đảm" đầu tiên nên thay bằng cùm từ: "Đáp ứng" (Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đáp ứng mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững…). Cụm từ "bảo đảm" thứ hai có thể sử dụng được (bảo đảm quốc phòng, an ninh…).
Cụm từ "bảo đảm" thứ ba thì nên bỏ: (bảo đảm kết nối liên thông hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô với Vùng Thủ đô). Thực ra, đã là quy hoạch xây dựng chiến lược phát triển Thủ đô thì yếu tố nào cũng cần phải "bảo đảm", tuy nhiên, trong văn bản, nếu không dùng từ "bảo đảm", người đọc vẫn có thể hiểu với ý nghĩa tương tự. Chẳng hạn, "bảo đảm kết nối liên thông hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô với Vùng Thủ đô" với "kết nối liên thông hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô với Vùng Thủ đô" thì ý nghĩa như nhau. Nếu đã dùng cụm từ "bảo đảm" để nhấn mạnh thì chỗ nào cũng phải dùng, nếu không người đọc dễ dàng hiểu là những chỗ không dùng thì không được "bảo đảm".
Vậy, khoản 1, điểu 10 nên được sửa lại là: "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đáp ứng mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đạt hiệu quả cao trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, kết nối liên thông hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô với Vùng Thủ đô".
Trong khoản 2, điều 10 nêu: "UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai để di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bệnh viện ra khỏi nội thành. Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên sử dụng phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các công trình tiện ích công cộng, công trình hạ tầng xã hội, công trình hạ tầng kỹ thuật".
Quy định hậu di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bệnh viện ra khỏi nội thành như Dự thảo là chưa cụ thể, rõ ràng. Theo tinh thần chung của Quốc hội, các cơ sở sau khi được di dời, các khu đất sẽ phải được dành xây dựng những công trình tiện ích công cộng… nhưng phải đáp ứng tiêu chí: không làm tăng thêm mật độ dân cư tại các vùng vừa di dời. Nếu quy định như Dự thảo thì chưa rõ và chưa phản ánh hết ý của Quốc hội: "Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên sử dụng phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các công trình tiện ích công cộng, công trình hạ tầng xã hội, công trình hạ tầng kỹ thuật". Quy định như thế thì các "mảnh đất vàng" hoàn toàn có thể xây dựng nhà ở xã hội, chung cư cho thuê… Từ đó, mật độ dân cư tại các khu vực này sẽ không giảm (chưa muốn nói là có thể còn tăng lên, để lại nhiều hậu quả xã hội hơn trước quy hoạch).
Trên tinh thần đó, khoản 2, điều 10 nên được sửa lại như sau: "UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai để từng bước di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bệnh viện ra khỏi nội thành.
Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên sử dụng phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các công trình tiện ích công cộng, công trình hạ tầng xã hội, công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo không làm gia tăng dân số tại địa điểm vừa di dời". (thêm cụm từ "từng bước" và "đảm bảo không làm gia tăng dân số tại địa điểm vừa di dời")…