Các tỉnh Nam sông Hậu ‘bắt tay’ cùng phòng chống dịch và phát triển kinh tế

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh khu vực Nam sông Hậu, gồm Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, mời tham dự hội nghị trực tuyến liên kết, phối hợp trong công công tác phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, nhằm trao đổi, thống nhất các phương thức, nội dung và tổ chức thực hiện liên kết.

Theo kế hoạch, tại hội nghị (diễn ra vào ngày 19/10 này - PV), lãnh đạo các địa phương trên sẽ thảo luận, góp ý đối với dự thảo Chương trình liên kết, phối hợp các tỉnh/thành khu vực phía Nam sông Hậu trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội (thực hiện mục tiêu kép).

Theo dự thảo chương trình liên kết, các tỉnh/thành Nam sông Hậu thống nhất liên kết, phối hợp trên tinh thần tự nguyện, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; đoàn kết, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau, cam kết thực hiện đúng nội dung liên kết.

Mục tiêu là triển khai đồng bộ các biện pháp về bảo đảm sức khỏe người dân các địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19; ổn định chuỗi cung ứng, nhất là các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, tạo thuận lợi cho việc di chuyển an toàn, trật tự của người lao động; thúc đẩy hợp tác về giao thông, đầu tư, thương mại, du lịch…

Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, thống nhất phương án tổ chức phân loại, phân tuyến điều trị từ tuyến cơ sở tới các bệnh viện tuyến cuối; cập nhật, trao đổi thông tin về phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế để chỉ đạo chuyên môn, điều phối, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị người bệnh Covid-19.

Sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ giảm tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế đang điều trị người bệnh Covid-19 tại các địa phương trong khu vực; chia sẻ với các địa phương có nhu cầu về vắc xin, trang thiết bị y tế…

Một chốt kiểm soát dịch tại Hậu Giang, giáp ranh với tỉnh Kiên Giang. Ảnh: H.Nguyên 

Trong lĩnh vực nông nghiệp: Rà soát, xác định và thông tin về danh mục, sản lượng dự kiến các loại sản phẩm hàng hóa nông sản cần bán, cần mua trên địa bàn các tỉnh/thành, trước mắt là các mặt hàng nông sản không tiêu thụ được. Tăng cường xúc tiến, kết nối giữa các nhà sản xuất với các nhà phân phối…

Thống nhất biện pháp phòng, chống dịch trong việc tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản trong khu vực. Kịp thời thông tin với nhau về cấp độ dịch ở từng địa bàn cấp huyện, cấp xã của từng tỉnh/thành.

Tạo điều kiện thuận lợi cho tham gia các hoạt động thu hoạch, thu mua nông sản, các nhà máy chế biến, cơ sở giết mổ, cảng cá… duy trì sản xuất, hoạt động trên cơ sở đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Tổ chức kênh hợp tác, liên lạc xuyên giữa các tỉnh/thành để thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng - tiêu thụ hàng hóa. Xây dựng các kênh thông tin chung, thường xuyên cập nhật diễn biến thị trường, tình hình xuất nhập khẩu để đưa ra dự báo…

Liên kết xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch, hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch Nam sông Hậu và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phối hợp xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa nhằm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau dịch Covid-19.

Mở lại các loại hình hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, xe buýt liên tỉnh; vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân liên tỉnh phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy…

Thực hiện thường xuyên các phiên giao dịch việc làm, để người lao động tiếp cận; các tỉnh có nguồn lao động dồi dào hỗ trợ các tỉnh còn lại về nguồn lao động cung ứng cho DN có nhu cầu…

Các DN vùng ĐBSCL bắt đầu trở lại sản xuất nhưng mới đạt tỷ lệ thấp. Ảnh: G.Lam

Theo ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, từ giữa tháng 9, các tỉnh ĐBSCL đã cơ bản kiểm soát được dịch và tiến tới bỏ áp dụng Chỉ thị 16. Việc mở cửa để phục hồi kinh tế là rất cần làm nhanh nhưng với nhiều ràng buộc và hạn chế như hiện nay thì ĐBSCL còn mất nhiều thời gian nữa mới có thể khôi phục trở lại nguồn lực tăng trưởng.

Tổng hợp từ các địa phương cho thấy, hiện các DN bắt đầu trở lại sản xuất nhưng mới đạt tỷ lệ 30%-50% số DN trên địa bàn mỗi tỉnh, trong đó số DN có quy mô lao động lớn vẫn chưa nhiều, công suất 20-40% tùy từng địa phương do thiếu lao động và các quy định quản lý khác nhau.

Điểm chung hiện nay là mở cửa nhưng mới chỉ cho phép đi lại trong nội tỉnh, còn bên ngoài vào thì phải theo quy định riêng. Những rào cản này làm cho DN trong vùng, nhất là các khu công nghiệp hay các nhà máy đặt giáp ranh giữa các tỉnh không thể có công nhân đi làm do bị quy định từ địa phương khác.

“Liên kết vùng là cần thiết nhưng còn xa lắm, vì không thể nói hợp tác là bắt tay ngay được. Điều kiện cần cho liên kết vùng là thể chế hóa chính quyền cấp vùng, điều chỉnh được cấu trúc hành chính… nhưng điều đó phải từ cơ quan lập pháp. Ngay lúc này đây, ĐBSCL đang cần một sự thống nhất về cách mở cửa và hợp tác giữa các tỉnh/thành để bắt đầu công cuộc tái thiết kinh tế vùng. Nếu không, mọi nơi đều chạy, còn ĐBSCL sẽ tiếp tục ì ạch bởi chúng ta đang tự trói chân mình” – ông Lam nói.