Kinhtedothi - “Sinh ra ở nông thôn, cả đời gắn với đồng ruộng, tôi thấy rằng nếu cứ cun cút làm lụng trồng lúa, trồng ngô thì chẳng bao giờ nông dân giàu lên được, mà phải chăn nuôi lớn, phải kinh doanh...” - cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Xuân Nhị, thôn Trại Hồ, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây mở đầu về câu chuyện làm giàu của mình.
Ông Nguyễn Xuân Nhị bên vườn cây ăn quả của gia đình.
Cuối năm 1975, người CCB Nguyễn Xuân Nhị xuất ngũ trở về địa phương trong niềm hân hoan chào đón của gia đình, bè bạn. Lấy vợ năm 1976, rồi đi học ngành điện và trở thành cán bộ quản lý hệ thống lưới điện của toàn xã Cổ Đông, song ông Nhị vẫn luôn tự nhận mình là một "lão nông tri điền" chính hiệu. Bởi ông sinh ra ở vùng nông thôn đồi gò, lớn lên từ hạt thóc, củ sắn và hàng ngày vẫn lam lũ ngoài đồng ruộng. Khi ấy, xã Cổ Đông quê ông vẫn còn thuần nông, chỉ trồng lúa, trồng sắn, năng suất rất thấp, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, làm thế nào để làm giàu luôn là câu hỏi canh cánh trong đầu của người CCB khi trở về quê hương. Ông trăn trở, quanh quẩn với đồng đất manh mún, với lúa ngô khoai sắn thì không biết đến bao giờ nông dân mới giàu lên được? Cơ hội cuối cùng cũng đã mở ra cho người CCB khi ông bước vào tuổi 48. Năm 1999, kinh tế trang trại bắt đầu manh nha và hình thức chăn nuôi gia công cho nước ngoài đã được nhắc đến như một hướng làm kinh tế mới ở nông thôn. Là một trong 60 nông dân được thị xã Sơn Tây mời lên tuyên truyền, vận động về cách làm kinh tế mới lúc bấy giờ, ông Nhị như mở cờ trong bụng. Khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông đã mạnh dạn bàn với vợ vay vốn của ngân hàng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn. "Ngày ấy, ngân hàng chưa cho nông dân nào vay quá 40 triệu đồng, nhưng vận động mãi và ngân hàng cũng đi lại tìm hiểu nhiều lần, gia đình tôi mới được vay 100 triệu đồng" - ông Nhị chia sẻ. Có vốn, trên diện tích 4.000m2 trong vườn nhà, ông xây dựng chuồng trại nuôi 4.000 con gà thịt. Đây chính là một trong 5 trang trại chăn nuôi quy mô lớn đầu tiên của xã Cổ Đông. May mắn cho gia đình ông Nhị là thời điểm bấy giờ, chăn nuôi chưa phát triển nên đầu ra cho sản phẩm khá thuận lợi, thu nhập từ trang trại đạt cao và chỉ sau 3 năm, ông đã trả hết nợ ngân hàng. Tích cóp được vốn liếng, tới năm 2001, ông Nhị chuyển sang xây dựng chuồng trại nuôi gia công 1.000 con lợn thịt cho Công ty CP tại khu vực thôn Vĩnh Lộc và đến năm 2009, ông tiếp tục góp vốn cùng người em trai Nguyễn Văn Hòa mở thêm một trang trại tại khu 916, xã Cổ Đông với diện tích 5.000m2. Đến nay, 2 khu chuồng trại của gia đình ông Nhị có khoảng 2.000 con lợn thịt mỗi lứa, cho thu về hơn 400 tấn thịt mỗi năm. Toàn bộ đầu ra do Công ty CP thu mua và trả tiền nuôi gia công 3.600 - 3.700 đồng/kg. Tính ra, mỗi năm trang trại của anh em ông Nhị cho thu về trên 1,4 tỷ đồng. Không những thế, trang trại còn tạo việc làm cho 6 lao động với mức lương khá cao ở nông thôn, hiện là 5 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng, ông vẫn luôn khiêm tốn nhận rằng "mình chẳng là cái gì" so với rất nhiều anh em khác ở địa phương. Ở thôn Trại Hồ, người dân nào cũng yêu quý ông Nhị bởi tính hiền lành, hay nói hay cười và nhiệt tình tham gia công tác xã hội của ông. Bất cứ việc to, việc nhỏ của thôn, của xã rồi cả văn nghệ, thể thao, chỗ nào cũng thấy ông hăng hái tham gia. Và cũng bởi được dân mến, đồng đội tin tưởng nên ông được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Trại Hồ nhiều năm nay. Năm 2014, ông Nhị vinh dự được UBND xã Cổ Đông tặng Giấy khen vì có thành tích tham gia xây dựng nông thôn mới.