Kinhtedothi - Thảo luận nội dung các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư sáng 22/4, nhiều ý kiến tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân cho rằng, dù có những bước cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật vẫn chưa đạt yêu cầu của xã hội nói chung và của DN nói riêng.
Nhiều căn cứ thực tế cho thấy, môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng được cải thiện nhờ phát triển cơ sở luật pháp, các thể chế kinh tế thị trường, rút ngắn thời gian khai nộp thuế, thông quan; giảm mức thuế, lãi suất và nới lỏng hạn mức, điều kiện tín dụng, tăng cường thông tin định hướng, cải thiện chất lượng dịch vụ côn; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đặc biệt, những hỗ trợ giảm thiểu cùng lúc cả ba gánh nặng tài chính - tín dụng và thể chế cho DN ngày càng tốt hơn.
Đây là những việc làm đúng đắn và là tín hiệu đáng mừng cho thấy cách nghĩ, cách làm mới có trách nhiệm và hiệu quả hơn của các cơ quan công quyền, tăng khả năng phản ứng thị trường và cả phản ứng chính sách, sự điều hành tích cực, quyết liệt của Chính phủ, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.
Ảnh minh họa.
|
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, dù có những bước cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật vẫn chưa đạt yêu cầu của xã hội nói chung và của DN nói riêng.
Theo đó, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn các luật còn nặng nề. Nhiều quy định pháp luật, nhất là các Thông tư do các Bộ, ngành ban hành có tính khả thi thấp, chưa dựa trên các cơ sở thực tiễn pháp lý vững chắc; không đồng bộ và còn chồng chéo, mâu thuẫn, triệt tiêu hiệu lực của nhau.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặc biệt lưu ý, ở nước ta còn rất nhiều thông tư, văn bản chỉ đạo… thể hiện sự can thiệp hành chính của các cấp vào hoạt động kinh doanh. Thực tế, trong hơn 5.000 điều kiện kinh doanh thì có tới cả hàng ngàn điều kiện ban hành trái quy định của pháp luật. Chẳng hạn, ban hành bởi các thông tư thuộc cấp bộ, thậm chí có cả điều kiện do cấp huyện ban hành, trong khi theo luật, Chính phủ mới được quyền ban hành điều kiện kinh doanh.
“Chính thực tế của điều kiện kinh doanh như thế đang làm thị trường méo mó, cung - cầu méo mó, không tạo được cân bằng thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, méo mó cả phân bổ nguồn lực. Từ đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế giảm” ông Cung nói.
Chia sẻ vấn đề, TS Trần Du Lịch cho rằng: Cần làm sao biến lời nói thành hành động. Đó là làm sao tư tưởng của các luật làm ra đi vào cuộc sống phải được thực thi thực sự. Còn hiện tại, tôi vẫn nghi ngờ khả năng đó. Theo Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội TPHCM, đổi mới đột phá chiến lược, thủ tục hành chính chỉ là một phần rất nhỏ của thể chế hành chính.
“Muốn tạo niềm tin cho thị trường cần phải cải cách thể chế kinh tế. Nhưng nếu muốn cải cách này đi vào cuộc sống phải cải cách bộ máy hành chính. Nếu chỉ cải cách thủ tục mà bộ máy và con người thực thi vẫn như cũ thì cải cách không đạt được gì, muôn năm vẫn thế”, ông Lịch nhấn mạnh.
Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão, môi trường kinh doanh thuận lợi là một nhân tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Quá trình minh bạch hóa là phải làm rõ các quyền và nghĩa vụ, đồng thời cần phải liên tục rà soát, loại bỏ những khó khăn, thách thức, những chi phí không cần thiết.