Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách thuế, hải quan đang đi vào thực chất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 19/NQ – CP, trong đó đặc biệt là những cải cách về lĩnh vực thuế và hải quan cũng đã giúp vạch ra được lộ trình rõ ràng để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu hội nhập của DN.

Hỗ trợ người dân làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội. 	Ảnh: Chiến Công
Hỗ trợ người dân làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Điều này cũng đã thể hiện việc cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định TPP. Đó là những đánh giá mà Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Layton Pike đưa ra tại buổi Công bố báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế – hải quan năm 2015 tổ chức cuối tuần qua.

Chuyển biến mạnh
Một điều đáng mừng là 75 - 80% các DN khi khảo sát đều cho rằng, những năm gần đây, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan đã có những tiến bộ nhất định. Điều này đã khẳng định quyết tâm và hành động cụ thể của các đơn vị giám sát phối hợp trong thời gian qua. Với tinh thần đó, trong năm 2016, nên tiếp tục kiểm tra ở 6 tỉnh thuộc 3 vùng miền; triển khai thí điểm đánh giá tại từng tỉnh và nên chọn những tỉnh, TP có lượng hàng hóa lớn, một số địa phương có cửa khẩu biên giới, cảng lớn liên quan tới xuất nhập khẩu (dự kiến khoảng 10 - 15 tỉnh, thành) để giám sát được tốt hơn.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt  Nam Nguyễn Thiện Nhân

Nếu nhìn lại vài năm trước đây, ngành tài chính, đặc biệt là thuế và hải quan đội sổ so với khu vực ASEAN, 2 ngành này cũng là 2 điểm nóng nhất của môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, với việc triển khai cải cách hành chính đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 19, hiện tại 2 ngành này đã trở thành tiên phong trong cải cách hành chính, điều này đã cho thấy sự chuyển động mạnh mẽ của lĩnh vực thuế và hải quan. Kết quả theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến nay đã có trên 98,95% số DN thực hiện khai thuế điện tử; đã ký kết thỏa thuận với 43 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử tại 63 địa phương trong cả nước. Tính đến nay đã có 90,81% DN đăng ký tham gia nộp thuế điện tử. Bộ Tài chính cũng đã rà soát sửa đổi bổ sung phần lớn các quy trình nghiệp vụ, nhất là các quy trình liên quan đến người nộp thuế, đồng thời thực hiện việc rà soát và cắt giảm 63 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 50 thủ tục hành chính. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai nhiều giải pháp để cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm xã hội. Trong lĩnh vực hải quan, với việc triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS đã giúp giảm thời gian thông quan đối với luồng xanh xuống chỉ còn 3 giây; triển khai Cơ chế hải quan một cửa quốc gia tại 12 cảng biển với sự tham gia của 9 bộ, ngành, qua đó DN chỉ phải nộp một bộ hồ sơ duy nhất và giảm được 10 - 20% chi phí thực hiện thủ tục hành chính, cắt giảm 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính về xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời đã kết nối kỹ thuật Cơ chế hải quan một cửa ASEAN với một số nước trong khu vực…

Chủ tịch VCCI TS Vũ Tiến Lộc đánh giá, mặc dù vẫn còn nhiều điểm mà ngành thuế và hải quan cần phải cải cách hơn nữa nhưng việc cải cách của Bộ Tài chính đã đi đúng hướng và mong sẽ duy trì “gia tốc” này trong thời gian tới. “Hiện con số đáng chú ý là có 20% DN đánh giá cán bộ công chức tận tình với DN, vậy số còn lại mới chỉ hoàn thành phận sự của mình hoặc có thể còn gây khó dễ. Đây là dư địa cải cách để chúng ta còn phải triển khai” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chưa thể bằng lòng

Với nền kinh tế mở như Việt Nam, chỉ số cải cách trong lĩnh vực thuế và hải quan tác động tới hơn 333 tỷ USD. Một chuyên gia Hoa Kỳ của Viện Nghiên cứu quản lý T.Ư tính toán, nếu chúng ta giảm một ngày về việc thực hiện thủ tục này thì hàng năm tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD.

Dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung đưa ra ý kiến: “Thuế có cải thiện về thứ bậc nhưng hải quan lại tụt mỗi năm một bậc, tại sao lại như vậy? Hiện, chúng ta mới chỉ bàn tới lĩnh vực thông quan trong vấn đề cải cách hải quan mà trong thủ tục hải quan chỉ chiếm 1/4 của thông quan, còn 3/4 thì thuộc chuyên ngành do các cơ quan khác thực hiện. “Nếu chúng ta thực hiện công tác này thuận lợi hơn thì xuất khẩu tốt hơn, giảm chi phí, tăng giá trị gia tăng. Qua đó làm tăng công ăn việc làm, hoạt động kinh doanh của Việt Nam” – Ông Cung nhận định. Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở kiểm tra chuyên ngành. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay, có hơn 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành. Chính điều này đã gây ra tình trạng “8 không” của các quy định pháp luật Việt Nam. Đó là không cụ thể, không rõ ràng, không nhất quán, không minh bạch, không hợp lý, không tiên lượng được, không hiệu quả và không hiệu lực. “Chính việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành làm giảm tốc độ, gây khó khăn cho việc thông quan”, nhiều chuyên gia tham gia xây dựng báo cáo đánh giá.

Một tín hiệu vui trong kết quả khảo sát lần này, đó là, nếu như trước đây DN ít mặn mà với việc cung cấp thông tin khảo sát, tuy nhiên, lần này với sự vào cuộc tích cực và đặc biệt là thái độ cầu thị của các cơ quan quản lý, Báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế – hải quan năm 2015 đã ghi nhận sự quan tâm của cộng đồng DN. Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân chia sẻ, các DN đánh giá Bộ Tài chính đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính rất tích cực khi đã thực hiện cắt giảm được khoảng 420 giờ, số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, đồng thời giảm được 8 lần khai và nộp thuế giá trị gia tăng, 4 lần nộp tờ khai thuế thu nhập DN tạm tính. Những con số ấn tượng này đã đem lại lợi ích tốt cho DN.