Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải lương miền Bắc chiếm ưu thế ở “xứ cải lương”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến nay, qua 16 vở, có thể tạm cho rằng cải lương xứ Bắc đã biểu dương hết lực lượng và đã thành công ngoài mong đợi.

KTĐT - Đến nay, qua 16 vở, có thể tạm cho rằng cải lương xứ Bắc đã biểu dương hết lực lượng và đã thành công ngoài mong đợi.

Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh (từ 17/11 đến 1/12) đã đi gần hết chặng đường. Các đơn vị cải lương miền Bắc đều đã ra quân và để lại nhiều ấn tượng đẹp với khán giả “xứ cải lương”.

3 vở cải lương Hà Nội thuộc hàng “Tốp”

Đến nay, qua 16 vở, có thể tạm cho rằng cải lương xứ Bắc đã biểu dương hết lực lượng và đã thành công ngoài mong đợi. Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Cải lương Hà Nội với 4 vở (chia đều mỗi nhà hát) thì cả 4 vở đều chỉn chu, sạch đẹp và có đến 3 vở được nhiều người đánh giá thuộc hàng “Tốp” của hội diễn. Đó là các vở "Đế đô sóng cả", "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long" (Nhà hát Cải lương Trung ương) và "Lễ mở xiêm áo" (Nhà hát Cải lương Hà Nội).

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà "Đế đô sóng cả" được chọn mở màn hội diễn. Cũng là câu chuyện về âm mưu ám sát vua Đinh Tiên Hoàng, về việc Thái hậu Dương Vân Nga trao long bào cho Lê Hoàn tưởng đã cũ mòn, thế nhưng tác giả, đạo diễn trẻ Triệu Trung Kiên lại có cách kể chuyện rất hấp dẫn khi từng bước dẫn dắt mọi người đến với những “sóng gió” chốn cung đình. Trung thành với chính sử nhưng "Đế đô sóng cả" khá bay bổng ở cách nhìn mới mẻ, khoan dung của người đời sau về những khúc quanh trong lịch sử; đồng thời mới lạ, hấp dẫn ở nội dung, sang trọng ở hình thức.

Cùng một phong cách sang trọng, hiện đại nhưng "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long" lại đẫm chất trữ tình bi tráng. Vở diễn đã khắc họa thành công hình tượng một Lý Thường Kiệt  anh hùng nhưng rất đời với những bi kịch khó nói nên lời gạt bỏ mối tình đầu tuyệt đẹp cùng Thuần Khanh, chấp nhận trở thành hoạn quan sát cánh bên vua lo việc nước.

Nghệ sĩ Mạnh Hùng với giọng ca trầm ấm, truyền cảm, diễn xuất tinh tế đã thể hiện khá thuyết phục hình tượng người anh hùng Lý Thường Kiệt riêng mang nỗi “đau đời”. "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long" còn “ghi điểm” với khán giả mộ điệu cải lương bởi phần âm nhạc được chăm chút hiệu quả với lượng bài bản khá phong phú được kết hợp nhuần nhị trong kịch bản.

Nếu hai vở diễn của Nhà hát Cải lương Trung ương mang âm hưởng hào hùng từ chính sử thì "Lễ mở xiêm áo" (Nhà hát Cải lương Hà Nội) có vẻ đẹp trữ tình nhưng không kém phần hào sảng của câu chuyện dã sử về những tâm hồn Thăng Long. Vở diễn phản ánh khá trọn vẹn nét đẹp của Thăng Long. Đó là Thăng Long ngàn năm văn hiến với nghệ thuật hát ả đào, với những đào nương tài sắc vẹn toàn; với những kẻ sĩ Thăng Long hào hoa phong nhã, khí khái hơn người.

Chờ sự bứt phá của cải lương miền Nam

Nếu các đoàn phía Bắc chuộng đề tài lịch sử thì cải lương miền Nam lại thích khai thác đề tài chiến tranh cách mạng. Nhìn chung các vở phía Nam đã ra mắt như "Hai phương trời thương nhớ" (Bến Tre), "Mẹ của chúng con" (Tây Đô, Cần Thơ), "Tiếng trống Sadzan" (Ánh Hồng, Trà Vinh), "Trở về miền nhớ" (Văn công Đồng Tháp), "Góc khuất trái tim" (Hương Tràm, Cà Mau), "Cổ tích thời hiện đại" (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Thành phố Hồ Chí Minh)... không thực sự đặc sắc ở kịch bản cũng như cách dàn dựng. Những câu chuyện giữa hai chiến tuyến rồi chuộc lỗi, hóa giải hận thù đã quá quen thuộc ở các kỳ hội diễn.

Là “anh cả đỏ” của cải lương Nam Bộ, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang rất được chờ đợi với vở "Cổ tích thời hiện đại". Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc Giàu đã thể hiện bản lĩnh của một “cây đa cây đề” với nhiều thủ pháp hấp dẫn... Đáng tiếc là nội dung vở diễn lại dàn trải, dài dòng, nặng tính tuyên truyền, hô khẩu hiệu làm khán giả có phần khó hiểu và mệt mỏi.

Ngược lại, Đoàn Văn công Đồng Tháp lại khoác một chiếc áo quá lộng lẫy và có phần “quá khổ” so với kịch bản rất dung dị và đậm chất cải lương của mình. Với kinh phí đầu tư 1 tỷ đồng, huy động hơn 100 diễn viên cùng 30 trống, 20 đờn kìm làm nền cho vở diễn, Văn công Đồng Tháp là đơn vị “chịu chơi” nhất mùa hội diễn này.

Thế nhưng sức hút của cải lương vẫn là âm nhạc cải lương giàu cảm xúc với những câu vọng cổ, những bài bản, điệu lý ngọt ngào, trữ tình được thể hiện qua những giọng ca đúng “chuẩn cải lương”; ở nét diễn chân chất, mộc mạc của người nghệ sĩ. Đáng tiếc là dường như các đơn vị phía Nam đã quá chú trọng vào hình thức mà quên mất cái hồn của cải lương chính là phần ca, “sở trường” của chính mình./.