Cấm cán bộ nhận quà, nhưng...
Báo cáo đánh giá một cách toàn diện về mức độ phổ biến của xung đột lợi ích trong 6 lĩnh vực hoạt động của khu vực công: Cung cấp dịch vụ công; tuyển dụng và bổ nhiệm, đấu thầu; cấp phép và phê duyệt dự án; thanh tra và kiểm tra; xử lý vi phạm. Báo cáo cũng cho thấy quản lý đấu thầu, cấp phép và phê duyệt dự án, bổ nhiệm và tuyển dụng là 3 lĩnh vực với các tình huống xung đột lợi ích phổ biến nhất.
Tới 70% cán bộ công chức được khảo sát cho rằng, lần đấu thầu gần đây nhất được tiến hành minh bạch nhưng con số đó với doanh nghiệp tham gia đấu thầu ở khu vực công khoảng 35 - dưới 40%. Có sự khác biệt rất lớn đối với cán bộ công chức và doanh nghiệp trong đánh giá thực tiễn đấu thầu giữa cán bộ công chức và doanh nghiệp.
Liên quan tới vấn đề xung đột lợi ích trong tuyển dụng và bổ nhiệm có sự tương phản trong đánh giá của doanh nghiệp người dân và cán bộ công chức.
Báo cáo đề cập tới "lỗ hổng" tại Điều 40 của Luật Phòng chống tham nhũng quy định rõ cán bộ công chức (CBCC), viên chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ tổ chức hoặc cá nhân có liên quan tới công việc của mình. “Tuy vậy, các quy định này không áp dụng với bất cứ thành viên nào trong gia đình của CBCC”, Báo cáo nêu.
So sánh quy định về nhận quà của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á cho thấy có sự khác biệt rõ ràng. Các nước này áp dụng quy định kiểm soát nhận quà với cả thành viên gia đình CBCC. Cụ thể, ở Hàn Quốc, Singapore, CBCC phải ngăn không cho vợ/chồng, họ hàng thân thích được nhận quà.
Kiểm soát tốt để phòng ngừa tham nhũng
Báo cáo "Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công - Quy định và thực tiễn ở Việt Nam" cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế trong 3 thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường đã thúc đẩy tương tác ngày càng tăng giữa khu vực công và tư, do đó cần phải giải quyết những xung đột lợi ích phát sinh trong quá trình tương tác này thông qua luật pháp và thực thi chính sách tốt hơn.
“Việt Nam khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng với thể chế hiện đại vào năm 2035”, theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. “Kiểm soát xung đột lợi ích là điều kiện thiết yếu để đạt được khát vọng đó, vì nó giúp định hình các thể chế, luật lệ và quy định của nhà nước và thị trường cho thế hệ tiếp theo".
“Kiểm soát xung đột lợi ích một cách hiệu quả không chỉ giúp nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực công mà còn tăng cường liêm chính và phòng chống tham nhũng ở khu vực công. Tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ nghiêm túc xem xét đưa ra các biện pháp cải cách thể chế trong lĩnh vực này”, theo lời của ông Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam.
“Nghiên cứu này là nỗ lực ban đầu để nhìn nhận vấn đề xung đột lợi ích ở Việt Nam”, theo ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. “Mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu này là khuyến nghị các biện pháp cho Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức và giảm thiểu tình huống xung đột lợi ích mà công chức phải đối mặt trong công việc của mình, cải thiện chất lượng thể chế của khu vực công và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng”. Việc kiểm soát tốt những tình huống này sẽ góp phần quan trọng trong phòng, ngừa, giảm thiểu các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi cá nhân, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.