Quá mờ nhạt
Khác với trận đấu với Man City, ông Miura đã tung Công Phượng vào sân từ khá sớm. Khi đồng hồ chỉ sang phút thứ 76, cầu thủ được sự kỳ vọng rất lớn của dư luận vào sân với nhiệm vụ phải cầm được bóng, đột phá qua hàng phòng ngự đối phương. Rút cuộc thì trong khoảng hơn 20 phút có mặt trên sân, Công Phượng chỉ có duy nhất một đường chuyền, nhưng các đồng đội không thể tận dụng thành công.
Đó là dấu ấn đáng kể nhất mà Công Phượng tạo dựng được trong trận đấu với Iraq. Đáng nói ở chỗ, ông Miura tung Công Phượng vào sân khi tuyển Việt Nam khá thoải mái trong thế trận phòng ngự phản công. Thế nhưng, khả năng kỹ thuật của cầu thủ HAGL đã không mang đến những tác động tích cực về chuyên môn cho tuyển Việt Nam. Công Phượng không cầm được bóng. Anh cũng không tạo ra những đường chuyền xé toang hàng phòng ngự đối phương để cho các đồng đội dứt điểm. Bi kịch đã đến khi ở phút cuối cùng trận đấu, khi thời gian chỉ được tính bằng giây, Công Phượng đã có pha bóng mang nặng tính biểu diễn nhằm qua mặt đối phương và mất bóng. Ngay sau đó, các cầu thủ Iraq đã có đợt tấn công và hậu vệ tuyển Việt Nam để bóng chạm tay trong vòng cấm khiến đội nhà bị một quả phạt penalty.
Công Phượng (trái) mờ nhạt trong trận đấu giữa Việt Nam và Iraq.
|
Ai cứu Công Phượng?
Hiện, bóng đá Việt Nam đang có tình trạng thổi Công Phượng lên một tầm thái quá. Cầu thủ trẻ của HAGL đang có dấu hiệu chững lại về chuyên môn nhưng vẫn được cho là chân giá trị của nền bóng đá. Người ta gán cho anh khả năng phi phàm, dù gần một năm qua, Công Phượng chỉ mang đến nỗi thất vọng tràn trề. Anh thi đấu nhạt nhòa ở V.League và không có nhiều đóng góp trong thành tích trụ hạng của HAGL.
Một Công Phượng đang khủng hoảng về tinh thần và chuyên môn, nhưng dư luận vẫn đòi hỏi ông Miura phải tung cầu thủ này vào sân từ đầu trận đấu. Ngay cả khi thi đấu kém cỏi, dư luận vẫn tin rằng Công Phượng không kém, mà lỗi thuộc về HLV khi không biết sử dụng nhân tài. Người ta không chịu phân tích về sự khác biệt giữa môi trường tuyển quốc gia và các đội bóng trẻ. Công Phượng nổi danh từ sân chơi trẻ nhưng không có nghĩa anh có thể chen chân ở tuyển quốc gia - nơi có nhiều ngôi sao hàng đầu đất nước.
Dư luận đang mắc căn bệnh ca ngợi Công Phượng một cách thái quá. Giới truyền thông thì khỏi bàn, họ coi Công Phượng như là niềm cứu rỗi của một nền bóng đá đang khủng hoảng nhân tài. Nhưng, bản thân Công Phượng cũng đang ảo tưởng về khả năng bản thân. Cầu thủ trẻ này không biết mình là ai, cần phải làm gì để hòa nhập với môi trường lớn. Thay vì hòa chung với lối chơi của đồng đội, Công Phượng - một cầu thủ trẻ chưa có nhiều dấu ấn ở tuyển quốc gia lại muốn đàn anh phải chơi thứ bóng đá phục vụ mình.
Một tuyển thủ đàn anh tâm sự rằng, Công Phượng tốt tính nhưng có cảm giác cậu ta đang bị ngộ nhận về bản thân. Và với điều này, dù rất coi trọng tài năng của Công Phượng, phần nào chịu áp lực từ dư luận nhưng ông Miura khó lòng mà dành chỗ cho cầu thủ này trong một đội hình có nhiều ngôi sao. Mà một khi ông Miura đã buông tay thì khó có nhà cầm quân nào đủ sự cá tính để nâng Công Phượng lên một tầm cao mới.