Cán bộ càng cao thì càng phải nêu gương kê khai tài sản

Hải Dương (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chức vụ càng cao thì càng phải làm gương trước, để cấp dưới noi theo. Đó là ý kiến của ĐB Nguyễn Thái Học khi trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng nay (29/5) về Quy định mới đây của Bộ Chính trị về kiểm tra giám sát tài sản đối tượng thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Theo ĐB Nguyễn Thái Học, quyết định kiểm tra, giám sát này của Bộ Chính trị được người dân, dư luận đồng tình ủng hộ vì đây là vấn đề lâu nay cử tri quan tâm và cho rằng nhiều đối tượng thuộc diện kê khai nhưng không trung thực, quy định còn mang tính hình thức. Chính vì thế, đặt ra kiểm tra giám sát thì dư luận đồng tình. Qua đó xác định xem ai kê khai không trung thực, không đúng để xem xét xử lý. Qua đây xem quy định về kê khai có đúng không, phù hợp chưa để siết lại kê khai để quy định không hình thức mà đi vào thực chất, phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên). Ảnh: Báo Điện tử ĐCSVN.
Đối tượng thuộc diện bị kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản của quy định này rất đặc biệt khi toàn người đứng đầu, là lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Theo ông, việc thực hiện có gặp khó khăn vì nể nang, né tránh?
Tôi cho rằng khi Bộ Chính trị quyết định đối tượng kiểm tra giám sát như thế thể hiện quyết tâm của Đảng ta, không có loại trừ nào với người kê khai tài sản, chức vụ càng cao thì làm gương trước. Việc tập trung sẽ làm cho cán bộ cấp cao làm gương, làm nghiêm túc, rồi tiến hành các đối tượng khác thì sẽ đồng bộ. Thực hiện như thế là trên trước, dưới sau.

Tôi nghĩ với người có chức vụ càng cao thì quá trình kiểm tra, giám sát có khó khăn, cũng nhạy cảm nhưng quyết tâm thì chúng ta làm được. Vì đây là một trong những vấn đề thể hiện Đảng chúng ta có trong sạch vững mạnh hay không, Chính phủ có liêm chính vì dân không thì phải bắt đầu từ việc cụ thể, gắn liền với bản thân của mỗi đồng chí lãnh đạo.
Lâu nay anh nói thế nào tôi chưa biết nhưng nghĩa vụ kê khai và công khai tài sản thì anh có trung thực không, có làm đúng như Đảng yêu cầu hay không, đây không chỉ là nghĩa vụ của cán bộ công chức nói chung mà thể hiện sự gương mẫu, nêu gương của đồng chí lãnh đạo.

Ở địa phương, lâu nay dư luận nói cán bộ rất giàu, có người thể hiện ở khối tài sản rất lớn. Vậy cách nào để làm rõ cho công luận, tránh đánh đồng các cán bộ?

Nếu lãnh đạo có nhiều tài sản, nhưng tài sản đó kê khai trung thực, nguồn tài sản có được hợp pháp thì phải tôn trọng, ghi nhận vì tài sản đó có được chân chính chứ không phải thu nhập bất hợp pháp. Và khi công khai minh bạch như thế thì người dân đồng tình. Vấn đề là ta có công khai, minh bạch tài sản của đồng chí đó hay không.

Về quy định của luật pháp có quy định về kê khai, công khai tài sản nhưng trên thực tế thực hiện chưa đúng quy định của luật pháp. Nếu thực hiện không đúng quy trình thủ tục, hay lãnh đạo không trung thực trong kê khai thì phải xem xét xử lý.

Qua việc kiểm tra giám sát này chúng ta cũng phải tổng kết lại thực tiễn xem đối tượng nào phải kê khai chứ không phải ai cũng kê khai, với người có chức vụ nhỏ, họ không có điều kiện thu nhập bất chính thì kê khai là hình thức. Đặc biệt là quản lý thu nhập của đồng chí lãnh đạo ra làm sao. Vấn đề là kiểm tra đầu vào để tài sản đó là minh bạch.

Dư luận đang quan tâm đến thông tin “khu đất kim cương” của một số quan chức ở Lào Cai. Theo ông, những người có trách nhiệm của tỉnh nên minh bạch thông tin thế nào để dư luận bớt băn khoăn?

Bất cứ sự việc nào khi báo chí lên, cử tri quan tâm thì người có trách nhiệm phải công khai thông tin đó theo trách nhiệm của người quản lý. Yêu cầu đặt ra ở đây, cái này không phải là mới, đối với báo chí nêu vấn đề là quyền của báo chí và chịu trách nhiệm với thông tin mình nêu. Còn cơ quan nhà nước là phải có trách nhiệm thông tin phản hồi báo chí nêu để đảm bảo thông tin đến với người dân, đến với công luận là nó chính xác. Như vậy là cần minh bạch thông tin hai chiều, chiều báo chí nêu vấn đề và chiều của cơ quan quản lý có hồ sơ tài liệu liên quan.

Việc Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 85 và đưa khoảng 1.000 cán bộ thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý vào diện kiểm tra, giám sát tài sản là quyết định quan trọng, mang tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng. Bởi việc kê khai, kiểm tra, xác minh tài sản đều là hoạt động để tiến tới kiểm soát tài sản, minh bạch tài sản và điều này tốt cho quá trình phòng chống tham nhũng.

Theo tôi, bước Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện vừa đúng với tinh thần của Luật Phòng chống tham nhũng và vừa biểu hiện tính gương mẫu, tiên phong của cấp lãnh đạo quản lý. Vì nếu các đồng chí thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mà tiên phong thực hiện thì sẽ là tấm gương cho cấp dưới học tập. Từ đó, chúng ta sẽ bước đầu rút ra được kinh nghiệm để có thể nhân rộng ở tất cả các cấp về sau.

Bên cạnh đó, dù biết việc xác minh tài sản sẽ rất khó khăn, nhưng không phải cứ thấy khó là không làm để rồi không đạt được kết quả. Càng khó thì càng phải làm để mình có kinh nghiệm trong bước tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và thể chế để đảm bảo cho công cuộc phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Đỗ Thị LuyệnBí thư Chi bộ 1(phường Trung Phụng, quận Đống Đa)


Quy định này là của Bộ Chính trị nên sẽ được triển khai thực hiện nghiêm túc, đối tượng nằm trong quy định này sẽ không có “vùng cấm”.

Chủ thể kiểm tra đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Còn chủ thể giám sát đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư và các chi bộ mà các cán bộ đó đang sinh hoạt. Việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản của số cán bộ này sẽ được thực hiện theo lộ trình, kế hoạch cụ thể. Ngoài ra còn kiểm tra trong các trường hợp như: Khi có kế hoạch, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và khi có phản ánh, tố cáo có căn cứ là có việc kê khai tài sản không trung thực.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư  Lê Thị Thủy

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần