Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần bố trí riêng nguồn kinh phí phục vụ công tác tái hòa nhập cộng đồng

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chương trình giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý các đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ và chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn, chiều nay (31/10), đoàn giám sát do Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Công an quận Thanh Xuân, các phòng, ngành liên quan và đại diện 3 phường trên địa bàn.

Tại đây, Thượng tá Bùi Văn Tiến - Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết: Hiện với 111 bị án đang hưởng án treo, 5 bị án cải tạo không giam giữ và 158 người chấp hành xong án phát tù trên địa bàn, công tác quản lý các đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ và chấp hành xong án phạt tù tại quận cùng với những thuận lợi thì còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Nhất là, công tác thi hành án phạt tù tại địa phương chưa được sự quan tâm đúng mực; sự vào cuộc của các cấp chính quyền cơ sở, một số tổ chức, đoàn thể đôi khi còn hình thức…
 
Trong khi, các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn thực hiện Luật Thi hành án còn thiếu đồng bộ, chưa tạo được tiền đề để động viên các tầng lớp Nhân dân và gia đình cùng tham gia quản lý, giáo dục người có án phạt tù. Nhân thân những đối tượng đều có trình độ học vấn thấp, không có việc làm hoặc có nhưng không ổn định, quan hệ gia đình và xã hội phức tạp, thường có người trong gia đình đã vi phạm pháp luật. 
“Những điều này khiến công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có án, người chấp hành xong án phạt tù những năm qua còn gặp nhiều khó khăn, kết quả còn hạn chế”, Thượng tá Bùi Văn Tiến nhận định và cho rằng, UBND TP cần chỉ đạo Tòa án Nhân dân TP tham mưu Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án Nhân dân các cấp kiểm tra chặt chẽ, không áp dụng hình phạt án treo, cải tạo không giam giữ với những đối tượng không có nơi ở cố định. Đặc biệt, quận đề nghị UBND TP bố trí riêng nguồn kinh phí phục vụ công tác thi hành án hình sự, công tác tái hòa nhập cộng đồng theo Nghị định 80/CP của Chính phủ; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các cán bộ cơ sở được phân công theo dõi, giám sát, giúp đỡ người đang chấp hành án, người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương.

Đồng thời, Công an quận cũng kiến nghị TP tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trung tâm đào tạo nghề được vay vốn có điều kiện được tiếp nhận những người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc; cũng như giao các địa phương xây dựng mô hình tự quản, mô hình kinh doanh sản xuất để khuyến khích việc chấp hành pháp luật và tham gia lao động sản xuất làm giàu cho bản thân và cộng đồng.

Bên cạnh đó, các ý kiến tại quận và các phường kiến nghị T.Ư xây dựng cơ chế đồng bộ từ T.Ư đến địa phương phân công nhiệm vụ, quy trách nhiệm cụ thể cho các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhan trong công tác thực hiện quản lý giám sát đối với người chấp hành hình phạt án treo, cải tạo không giam giữ. Ngoài ra, T.Ư cũng cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có những thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và Nghị định 80/CP để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý người đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ và người chấp hành xong án phạt tù; có chính sách đặc thù riêng với người chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú tại địa phương, như vay vốn, tạo công ăn việc làm…