Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cán bộ văn hóa phải có tâm, có tầm, có nhân cách...

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, ngày 18/10, về thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của T.Ư, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 8 (Khóa XI) về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước, là một trong bốn trụ cột để phát triển bền vững đất nước.

Kinhtedothi - Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, ngày 18/10, về thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của T.Ư, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 8 (Khóa XI) về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước, là một trong bốn trụ cột để phát triển bền vững đất nước.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc.        Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN
 
Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, thấm sâu vào tất cả các mặt của đời sống xã hội, đến từng gia đình, từng lĩnh vực và các ngành, các cấp. Cùng với sự phát triển của đất nước, lĩnh vực VHTT&DL đã có bước tiến mới, nhưng trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có nhiều vấn đề mới đang đặt ra. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng tội phạm và các loại tệ nạn xã hội và cũng cho thấy văn hóa chưa theo kịp nhịp độ tăng trưởng, chưa phát triển tương xứng với yêu cầu đề ra. 

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu, nhận thức thấu đáo, đầy đủ nội dung Nghị quyết T.Ư 8 (Khóa XI) về xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học. Trong đó, trọng tâm của phát triển văn hóa là con người và môi trường văn hóa, cụ thể là phát triển về nhân cách đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, có trách nhiệm với gia đình, bản thân, với cộng đồng, xã hội, với đất nước... Vì vậy, cần đặc biệt coi trọng việc thể chế hóa nghị quyết thành luật pháp, cơ chế chính sách, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động. Tổng Bí thư lưu ý, đây là lĩnh vực tinh tế, nhạy cảm, phức tạp, nên rất cần những cán bộ có tâm, có tầm, có nhân cách, đạo đức lối sống tiêu biểu là người có văn hóa, thu phục nhau ở tài năng, nhân cách chứ không phải bằng chức vụ. Bên cạnh đó, ngành VHTT&DL cần quan tâm làm tốt hơn nữa hoạt động văn hóa đối ngoại để quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người, nhân cách, truyền thống văn hóa Việt Nam ra thế giới. 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải làm tốt công tác xây dựng nội bộ, xây dựng Đảng, cơ quan, xây dựng con người. Người làm công tác văn hóa càng phải gương mẫu, phải thực hiện cho tốt Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, kết hợp với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh, Việt Nam có 20 di sản thế giới, 48 di tích quốc gia đặc biệt, 67 bảo vật quốc gia, 3.211 di tích quốc gia, 69 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 145 bảo tàng lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu hiện vật. Cả nước có 130 đơn vị nghệ thuật công lập với hơn 5.000 nghệ sĩ, trên 300 DN tư nhân có chức năng sản xuất phim, trên 250 phòng chiếu phim, gần 300 đội chiếu phim lưu động. Về đào tạo, Việt Nam có 446 cơ sở đào tạo VHTT&DL, khoảng 1.000 trung tâm dạy nghề, câu lạc bộ... với quy mô hơn 80.000 học sinh, sinh viên.