Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cán bộ y tế dự phòng: Những bước chân lặng thầm

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhắc đến ngành y, mọi người thường chỉ biết đến các bác sĩ, điều dưỡng mà ít người biết đến sự cống hiến của những cán bộ làm công tác y tế dự phòng (YTDP). Mỗi đợt Hà Nội có dịch, cán bộ YTDP luôn là những người đi đầu trong “trận chiến”, xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch. Ấy vậy, trong suy nghĩ của nhiều người dân vẫn thiếu hụt sự trân trọng với những “chiến sĩ” lặng thầm này.

 Cán bộ y tế dự phòng Hà Nội tham gia diễn tập phòng, chống dịch cúm A H5N1 tại huyện Thường Tín. 
Trưởng thành từ “dập dịch”
Tốt nghiệp trường Trung cấp Quân y 1 (thị xã Sơn Tây), y sĩ Lê Văn Huỳnh về nhận nhiệm vụ tại Trạm y tế phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ năm 2013. Gần 6 năm gắn bó với nghề, y sĩ Huỳnh thuộc lòng từng con đường, góc phố, từng hộ dân sinh sống trên địa bàn. Anh tâm sự, nghề này rèn cho anh trưởng thành và tính kiên trì. Nói thế là bởi đặc thù của ngành YTDP rộng và phức tạp, đảm nhiệm mảng phòng chống dịch bệnh cho cả cộng đồng, trong khi hiệu quả công việc không thể đong đếm trong ngày một ngày hai.
Đi trước đón đầu

Cán bộ YTDP phải là đội ngũ “đi trước, đón đầu” mỗi khi có dịch. Những gì mà các cán bộ YTDP đã và đang làm vì sức khỏe người dân là không thể kể hết. Chính họ đã đem lại hạnh phúc cho cả cộng đồng, nhất là trẻ em trong việc tránh được bệnh cùng nhiều di chứng nặng nề, góp phần giảm tải đáng kể cho bệnh viện và các thầy thuốc chữa bệnh trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng. Thời gian tới, các quận, huyện, thị xã cần chủ động phòng chống dịch, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, thay đổi hành vi trong phòng chống dịch. Thực hiện giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, nhằm phát hiện sớm, xử lý dịch kịp thời, không để dịch lan rộng, giảm số mắc và tử vong do một số bệnh truyền nhiễm lưu hành; tuyên truyền, vận đồng người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng chống dịch bệnh. Mặt khác, cần kiện toàn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác phòng chống dịch bệnh của Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền

Đến giờ, anh Huỳnh vẫn nhớ như in những ngày cả trạm y tế gồng mình với dịch sốt xuất huyết năm 2017. “Dịp ấy, nhân lực luôn huy động 100%, đêm thì 1, 2 giờ sáng anh em đã phải lên đường đi phun hóa chất. Ngày thì phải chia nhau đi theo các tổ xung kích diệt bọ gậy, đi thu thập số liệu bệnh nhân trên địa bàn và tuyên truyền cho người dân cách phòng bệnh. Ở phường Bạch Đằng, có khoảng 500 hộ nằm ven đê và ngoài đê sông Hồng, người dân chủ yếu làm nghề buôn bán nhỏ, lao động tự do, một bộ phận lớn lao động thời vụ từ các địa phương khác đến thuê trọ nên cuộc sống rất bấp bênh, trình độ nhận thức còn hạn chế, nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn” – anh Huỳnh kể.

Áp lực của những cán bộ YTDP không kém gì những bác sĩ trực tiếp cứu chữa bệnh nhân. Không chỉ là nhiệm vụ đi “săn muỗi”, phun hóa chất, thu thập số liệu khi có dịch, ngay cả chuyện vận động tuyên truyền người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ cũng gặp không ít khó khăn. Một cán bộ YTDP tại trạm y tế phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) chia sẻ, nhiều khi thấy cán bộ dự phòng đến là người dân đóng cửa quay lưng, không hợp tác. Nhiều người còn có suy nghĩ “YTDP đến kiểm tra, hàng xóm sẽ dị nghị là nhà có dịch”, thậm chí không ít người còn thả chó để xua đuổi cán bộ YTDP. “Cái nghề “làm dâu trăm họ” là thế, khéo thì được người ta cởi mở chia sẻ, hợp tác còn không thì họ hắt hủi như sợ mình mang mầm bệnh đến nhà. Chuyện cán bộ dự phòng bị chó cắn trong lúc đi tuyên truyền hay phải chui vào tận xó nhà, góc vườn của người dân để dọn rác không phải là hiếm. Thế nhưng thu nhập của cán bộ YTDP luôn thua xa các cán bộ khác trong ngành” – chị Trâm (TTYT huyện Thanh Trì) bày tỏ.
Cán bộ y tế dự phòng Hà Nội tham gia diễn tập phòng chống dịch cúm A H5N1 tại huyện Thường Tín. Ảnh: Vân Nguyễn
Hiệu quả công việc là niềm vui

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng nói, YTDP là “cánh cửa” của ngành y tế. Dự phòng có tốt thì mới không có dịch bùng phát, dự phòng còn bao gồm cả chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại tuyến y tế cơ sở để giảm thiểu chi phí y tế từ túi người dân. Mặc dù chưa thể làm “tròn vai” như mong muốn của vị tư lệnh ngành, song bằng những nỗ lực không ngừng, ngành YTDP Hà Nội đã gặt hái được không ít những thành công trong năm qua. Phấn khởi chia sẻ về những thành quả đạt được, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho hay, năm 2018 là một năm “biến động” không nhỏ của ngành YTDP Hà Nội về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đổi tên từ Trung tâm YTDP Hà Nội thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Tuy nhiên, công tác YTDP được trung tâm triển khai thực hiện hiệu quả trên các phương diện như phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, giun sán, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Trong đó, công tác phòng chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được tập trung thực hiện một cách quyết liệt.
Phát biểu tại Lễ kỉ niệm 60 năm ngành y tế dự phòng Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, ngân sách T.Ư và nguồn lực nhà nước nên tập trung cho dự phòng, còn lĩnh vực điều trị, khám chữa bệnh cần huy động tối đa các nguồn lực khác, từ đó xem xét việc phát triển, sử dụng kinh phí của bảo hiểm y tế dành cho y tế dự phòng. Bên cạnh đó, cần nhận thức đúng, đầy đủ vai trò quan trọng của đội ngũ nhân lực làm y tế dự phòng với ý nghĩa là “cái gốc” của y tế từ quá trình đào tạo đến cơ chế tài chính, chế độ đãi ngộ, sử dụng nguồn lực.

Với tinh thần chủ động, nghiêm túc triển khai các biện pháp trong phòng chống dịch nên cơ bản dịch bệnh trên địa bàn TP đã được kiểm soát. Các ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời không có ca bệnh thứ phát, không có ổ dịch lớn, hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh dịch. Một số chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2017 như chỉ tiêu giảm bệnh sốt xuất huyết, liên cầu lợn, ho gà… Công tác tự phát hiện ca bệnh truyền nhiễm sớm tại tuyến cơ sở đã góp phần khống chế nhanh dịch bệnh. Đồng thời, Hà Nội đã dự trù đầy đủ, sẵn sàng máy móc, hóa chất phòng chống dịch, duy trì hoạt động các đội cơ động phòng chống dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã. Các đội chống dịch cơ động đã được huấn luyện, đào tạo về an toàn sinh học trong phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng và được trang bị đầy đủ các phương tiện để sẵn sàng dập dịch.

“Trò chuyện với anh em trong ngành, nhiều người nói làm dự phòng chỉ sau một năm thấy trên địa bàn không có dịch bùng phát, tỷ lệ trẻ tiêm chủng cao mới thở phào nhẹ nhõm và vui mừng vì những nỗ lực của mình đã có kết quả. Thế nhưng, niềm vui đó cũng là áp lực bởi nếu chỉ có cán bộ YTDP tham gia phòng dịch mà thiếu đi sự ủng hộ, chung tay của người dịch thì dịch sẽ lại đến bất cứ khi nào” – TS Nguyễn Nhật Cảm chia sẻ.