Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, năm học vừa qua, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khối Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) của Hà Nội là 39.910 nhưng chỉ tiêu tuyển sinh mới đạt trên 57% với hơn 18.000 học viên. Trong đó, các ngành thu hút đông học viên theo học nhất là Y, Dược, Sư phạm mầm non, Hành chính văn thư.Trong số hàng chục ngành đào tạo của TCCN hiện nay, một số ngành có đầu ra tốt với cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp bao gồm: Hướng dẫn du lịch, Kỹ thuật chế biến, Xây dựng, Sư phạm mầm non, Dược. Tuy vậy, Sở cũng nhấn mạnh, số lượng học sinh theo học ngành kỹ thuật chế biến món ăn chưa cao dù cơ hội việc làm lớn.Để nâng cao chất lượng đào tạo bậc học này, Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất UBND TP cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc làm với các đối tượng đã tham gia phân luồng TCCN để tạo điều kiện phát triển cân đối hệ thống đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, cần tập trung vào việc xây dựng cơ chế, chế độ, chính sách huy động các nguồn lực của xã hội, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, chính sách thu hút, khuyến khích thực hiện chủ trương gắn đào tạo với nhu cầu xã hội.Hà Nội cần thành lập cơ quan cung cấp thông tin, thực trạng nguồn nhân lực, dự báo nhu cầu sử dụng nhân lực nhằm giúp người học cũng như nhà trường có định hướng lựa chọn ngành nghề đào tạo. Ngoài ra, để tạo cơ hội nâng cao trình độ cho học viên tốt nghiệp TCCN, Bộ GD&ĐT cần công bố rõ chỉ tiêu, hình thức tuyển sinh liên kết đào tạo, liên thông trình độ CĐ, ĐH cho các trường đủ điều kiện. Bộ GD&ĐT cần tăng cường chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề nghiệp để định hướng, tạo điều kiện cho các địa phương trong việc tiếp cận với quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề.