Kinhtedothi - Mặc dù hàng Việt đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng (NTD), nhưng để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập đòi hỏi các DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt cần chú trọng việc xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ.
Ngày càng được ưa chuộng
Mỗi khi có nhu cầu mua sắm hàng hóa, vật dụng dùng trong gia đình, chị Hồng Phượng, ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội thường chọn siêu thị hoặc cửa hàng bán các sản phẩm Việt Nam để mua sắm. Chị Phượng giải thích: “Hàng Việt hiện có chất lượng khá tốt, mẫu mã phong phú không thua kém hàng ngoại bao nhiêu nhưng quan trọng hơn cả là giá bán hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân. Nhưng quan trọng là mình biết rõ được nguồn gốc nên yên tâm, trong khi hàng nước ngoài không biết thế nào”.
Thực tế hoạt động kinh doanh tại các siêu thị, chợ truyền thống cho thấy, hàng hóa do DN trong nước sản xuất đang ngày càng chiếm tỷ lệ lớn. Ông Đào Văn Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội cho biết: Sau 5 năm triển khai thực hiện, kết quả lớn nhất mà CVĐ đạt được là thay đổi thói quen mua sắm của NTD. Thay vì “sính” ngoại, NTD đã ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước. Thói quen này không chỉ ở TP mới có mà ở cả các vùng nông thôn, NTD cũng bắt đầu quen dùng hàng Việt.
Kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo T.Ư) tổ chức năm 2014 cho thấy: Có đến 92% NTD được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến CVĐ; 63% “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 54% “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày Việt Nam có tới 80% NTD ưa chuộng; hàng thực phẩm, rau quả là hơn 58%...
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, bên cạnh việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, các DN sản xuất trong nước cũng đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi cửa hàng hoặc liên kết với các kênh phân phối bán lẻ… Qua đó, sản phẩm của một số DN đã chiếm thị phần lớn như: Tổng Công ty Dầu thực vật Việt Nam chiếm 87% thị phần dầu ăn tinh luyện; sữa đặc có đường của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là 75%, sữa chua là 90%, sữa tươi là gần 50%.
Đòi hỏi mở rộng hệ thống phân phối
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, song song với việc nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm thì hàng Việt cần một hệ thống phân phối sao cho đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm của người dân.
Số liệu của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho thấy, hiện tại, một số siêu thị lớn trên địa bàn TP như: Hapro, Big C, Fivimart…, sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam chiếm đến 80 - 90% cơ cấu hàng hóa; thậm chí, tại hệ thống siêu thị Vinatex Mart cơ bản 100% là hàng sản xuất trong nước.
Mặc dù hàng Việt đã chiếm được lòng tin của NTD, qua đó thay đổi cơ cấu hàng hóa trong hệ thống bán lẻ hiện đại, nhưng tại khu vực nông thôn, việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Hệ thống hạ tầng bán lẻ có sự chênh lệch khá lớn giữa nội và ngoại thành. Tại nội thành có những tuyến phố có đến 2 siêu thị quy mô lớn, trong khi tại một số huyện ngoại thành vẫn chưa có siêu thị. Không chỉ có vậy, hệ thống chợ truyền thống tại các huyện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng: huyện Sóc Sơn có đến 75% chợ là lều lán, Ba Vì: 65%, Chương Mỹ: 71%… Điều này đã gây khó cho DN trong hoạt động quảng bá, tiêu thụ hàng Việt.
Nhằm hỗ trợ DN trong nước kích cầu hàng Việt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020, trong đó mục tiêu đến năm 2020, 80% thị phần hàng hóa tại các kênh phân phối là hàng Việt. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Để đưa hàng Việt vào sâu hơn hệ thống phân phối, đặc biệt là hệ thống phân phối vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020, xây dựng 100 mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” đặt tại chợ, siêu thị và tại các huyện vùng sâu, vùng xa…; Xây dựng 3 kho phân phối hàng Việt tại địa bàn nông thôn; Xây dựng 5 mô hình chuỗi liên kết “Tự hào hàng Việt Nam” từ sản xuất đến tiêu dùng đối với các nhóm mặt hàng Việt có lợi thế…
Phiên chợ hàng Việt tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Hoài Nam
|