KTĐT - Do ít người bước vào cuộc hôn nhân với suy nghĩ rằng họ sẽ ly dị nên cảm giác tội lỗi và các cảm xúc khác thường cản trở quyết định của họ.
Bạn băn khoăn không biết quyết định ly dị của mình có đúng đắn không? Nếu có, bạn cần làm những gì trước khi ra đi? Và bạn sẽ báo tin này như thế nào đây?...
Đánh giá tình hình
Bước 1
Đưa sự an toàn của bạn và con bạn lên đầu danh sách ưu tiên của bạn. Nếu bạn hoặc con bạn bị bạn đời ngược đãi hoặc đe dọa thì bạn cần phải rời bỏ cuộc hôn nhân này càng sớm càng tốt.
Bước 2
Bạn cần có cái nhìn khách quan rằng trạng thái tình cảm, cảm xúc của bạn sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của bạn. Do ít người bước vào cuộc hôn nhân với suy nghĩ rằng họ sẽ ly dị nên cảm giác tội lỗi và các cảm xúc khác thường cản trở quyết định của họ. Nếu bạn có thể khách quan nói rằng cảm giác lo lắng, không hạnh phúc và băn khoăn không biết nên ly dị hay không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý hoặc thể chất của bạn thì đã đến lúc bạn cần đưa ra quyết định.
Bước 3
Hãy dành một khoảng thời gian nhất định cho riêng mình để ngồi suy ngẫm lại tất cả mọi việc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu có thể, bạn nên tìm cách đi xa trong vài ngày. Đó sẽ như một bài test dành cho bạn về việc rời bỏ cuộc hôn nhân này. Hãy xem bạn cảm thấy thế nào khi một mình. Nếu bạn cảm thấy nhẹ nhõm và thích cuộc sống mới mà không có bạn đời thì bạn hiểu mình cần phải làm gì tiếp theo rồi đấy.
Bước 4
Hãy kiểm nghiệm phản ứng và tình cảm của bạn dành cho bạn đời khi bạn ra đi. Có những người không còn thấy buồn hoặc hy vọng nữa. Họ trở nên thờ ơ, lãnh đạm, mất bình tĩnh và không bao dung. Một số người khác thì tưởng tượng ra cuộc sống sẽ thế nào nếu bạn đời của mình chết hoặc đột ngột ra đi. Điều này không khiến bạn trở thành người xấu mà giúp bạn sẵn sàng hơn cho việc chia tay.
Lên kế hoạch ra đi
Bước 1
Đưa ngôi nhà của bạn vào trật tự, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sắp xếp, dọn dẹp đồ đạc của mình để biết được vị trí của mọi thứ. Làm bảng thống kê (hoặc là trong trí nhớ hoặc trên giấy) những thứ bạn muốn mang theo mình khi ra đi và hiểu rõ tài chính cũng như những món nợ của gia đình. Biết những tài sản mà bạn sẽ được mang theo khi ra đi.
Bước 2
Mở hòm thư riêng và ngay khi có thể, hãy lập một tài khoản ngân hàng mới cho những khoản tiền riêng của bạn. Sau đó, hãy lập một ngân sách dựa trên thu nhập của chỉ riêng bạn. Như vậy, bạn sẽ biết mình cần phải làm gì với nó.
Bước 3
Tìm một nơi để ở. Hãy quan tâm đến những thay đổi có thể xảy ra nếu bạn có con, chẳng hạn như chọn nhà ở gần khu vực trường học của con. Những điều này, cùng với công việc của bạn (nếu có), sẽ giúp giới hạn khu vực mà bạn cần tìm nhà.
Báo tin
Bước 1
Chọn thời điểm thích hợp để nói chuyện với bạn đời. Đó nên là thời điểm bạn có thể một mình và không bị quấy rầy. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ bạn đời sẽ phản ứng lại bằng vũ lực thì bạn nên bỏ qua bước này và nói chuyện từ xa sau khi bạn đã chuyển đồ vật của mình khỏi ngôi nhà. Bạn đời của bạn chắc chắn sẽ hiểu rằng cuộc hôn nhân đã chấm dứt, đặc biệt là khi bạn đã tiến hành các bước để thực hiện điều đó.
Bước 2
Hãy mạnh mẽ và kiên định khi nói với bạn bè và gia đình. Hãy tập trung vào bạn và lý do tại sao bạn muốn ra đi chứ không phải những gì bạn đời đã làm để “buộc” bạn phải ra đi. Hãy tin tưởng vào sự đánh giá và bản năng của bạn. Nếu bạn biết bạn sẽ hạnh phúc hơn khi ra đi thì cố gắng đừng để bị chi phối bởi các câu hỏi và nhận xét kiểu như "Nhưng còn bọn trẻ thì sao?”…
Bước 3
Hãy nói với con về cuộc ra đi này. Bất kể cách bạn nói như thế nào và nói bao nhiêu lần thì trẻ con cũng sẽ cảm thấy có trách nhiệm khi bố mẹ chia tay. Hãy đảm bảo với chúng rằng đó không phải là lỗi của chúng và trả lời thành thật những câu hỏi của chúng như bạn có thể. Tránh đổ tránh nhiệm lên một người hoặc nửa kia. Nhưng đừng lảng tránh nói với chúng rằng bạn cảm thấy không hạnh phúc và thiếu tự tin. Dù thế nào, chúng cũng sẽ nhận ra những cảm xúc đó trong quá trình bạn cố gắng thích nghi với cuộc sống mới.