Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT nói chung, Bộ TN&MT nói riêng trong việc đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Theo Phó Thủ tướng, 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thời kỳ 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra. Để đạt được những mục tiêu tổng quát nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, những yêu cầu ngành TN&MT phải tập trung thực hiện trong năm 2018 và thời gian tới. Trong đó, yêu cầu ngành TN&MT phải có các giải pháp tạo đột phá trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất.“Phải quản lý chặt chẽ đất đai từ quy hoạch, kế hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, sử dụng bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả tối đa. Cùng với đó, tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích việc tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần tập trung nguồn lực để hiện đại hóa hồ sơ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai, từng bước hiện đại hóa dịch vụ công về đất đai theo hướng Chính phủ điện tử; tập trung chỉ đạo để hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với đất có nguồn gốc của các nông, lâm trường quốc doanh.Trước thực tế Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, do gia tăng ô nhiễm nguồn nước và đặc biệt là khan hiếm nguồn nước dưới tác động của biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT nhanh chóng đưa ra được các giải pháp trước mắt và lâu dài bảo đảm an ninh nguồn nước.Đối với nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành tổ chức điều tra, rà soát, phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhất là các nguồn thải ra sông, ra biển; cải tạo, phục hồi các khu vực ô nhiễm; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường; tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; triển khai mạnh các nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông, bảo vệ môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề.