Theo dự thảo Luật Thủ đô mới nhất (ngày 11/10) sau khi UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thứ 12 gồm 28 điều. Trong đó, quy định biểu tượng của Thủ đô Hà Nội là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tuy lĩnh vực quản lý đất đai, ngoài các quy định của pháp luật hiện hành, HĐND TP được ban hành các biện pháp đảm bảo việc thu hồi đất, GPMB kịp thời để thực hiện đúng tiến độ các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Chu Sơn Hà phát biểu tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ảnh: Vũ Minh
Dự thảo giữ quy định, HĐND TP có trách nhiệm quy định mức thu phí giao thông ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với một số khoản thu phí thuộc thẩm quyền. Đồng thời, HĐND TP được quy định mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hình chính tương ứng trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng.
Vấn đề được quan tâm là quy định về nhập cư, dự thảo mới nhất quy định, ngoài những quy định của pháp luật về cư trú, phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên, nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi ở tạm trú.
Dự thảo Luật Thủ đô nhận được sự đồng tình của các ĐBQH Hà Nội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn những quy định như chính sách, cơ chế tài chính đặc thù cho sự phát triển Thủ đô, chỉnh sửa một số câu chữ cho chính xác… Lý giải thêm về vấn đề "siết" nhập cư ở nội thành, Trưởng phòng Pháp chế Công an TP Nguyễn Việt Tiến cho biết: Hiện Hà Nội đang có 1,8 triệu hộ dân với 7,1 triệu nhân khẩu và luôn có trung bình 1 triệu lao động thời vụ. Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, dự kiến đến năm 2020, Hà Nội có 9 triệu dân, nhưng khả năng đến năm 2020, dân số Hà Nội có thể lên tới 13 triệu người. Do đó cần phải đưa ra những quy định để hạn chế. Đồng thời, bổ sung thêm tiêu chí "có việc làm ổn định và hợp pháp" và đưa thêm vào đối tượng đặc biệt được xét đặc cách như những người có thành tích đặc biệt, việc xét theo quy trình như thế nào giao cho Bộ Công an quy định.
lCùng ngày, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Các ý kiến đều thống nhất việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh là cần thiết để rèn luyện cán bộ, nhưng nên có quy định thông báo trước ít nhất 10 ngày khi lấy phiếu tín nhiệm và công bố ngay kết quả để bảo đảm dân chủ công khai. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng việc bỏ phiếu tín nhiệm, nếu không sẽ xuất hiện hiệu quả ngược bởi tình trạng lấy lòng nhau để bỏ phiếu. Ngoài ra phải có thang điểm khi bỏ phiếu để có sự phân biệt rõ ràng, cụ thể khi bỏ phiếu, tránh thiệt thòi giữa người rất tốt và tốt...
Về các mức độ đánh giá tín nhiệm, các đại biểu cho rằng nên lấy 3 mức độ ("tín nhiệm cao", "tín nhiệm trung bình", "tín nhiệm thấp"), thay vì 4 mức độ như dự thảo ghi để đề cao trách nhiệm của các ĐBQH, HĐND. Bên cạnh đó, đối với những người có trên 2/3 tổng số ĐBQH hoặc HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì lấy luôn kết quả đó là kết quả bỏ phiếu tín nhiệm và tiến hành bãi nhiệm luôn.