Buổi Giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND quận Hoàng Mai có sự tham dự của Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Nguyễn Xuân Linh, Tổng biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức, Tổ trưởng Tổ Đại biểu HĐND TP số 8, Phó Ban pháp chế của HĐND TP Nguyễn Bích Thủy; các Bí thư Đảng ủy phường, Chủ tịch UBND phường, các trưởng ban chuyên môn UBND quận, thành viên 2 ban Kinh tế - Xã hội và Pháp chế của HĐND quận Hoàng Mai, các đại diện cử tri 14 phường trên địa bàn cùng các đơn vị liên quan như: Điện lực Hoàng Mai, Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
Tồn tại những vấn đề nóng
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Hoàng Mai Lê Minh Trường, người chủ trì buổi làm việc cho rằng, phiên giải trình nhằm giám sát, đánh giá khách quan về tình hình, kết quả, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay.
Tính từ năm 2021 đến nay, HĐND quận Hoàng Mai nhiệm kỳ 2021-2026 đã tiếp nhận 345 ý kiến của các cử tri, đã giải quyết 285 trường hợp, 60 kiến nghị đang trong quá trình giải quyết.
Những kiến nghị được đưa ra phiên giải trình lần này đều có tính chất phức tạp, kéo dài, tồn đọng lâu ngày chưa giải quyết dứt điểm, thậm chí có những vấn đề kéo dài trên 20 năm, trước khi thành lập quận Hoàng Mai.
Đầu phiên giải trình, Thường trực HĐND quận Hoàng Mai đã cho chiếu bức tranh toàn cảnh Hoàng Mai, trong đó tập trung vào lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, giải phóng mặt bằng, trật tự xây dựng với 7 kiến nghị của người dân.
Theo đó, quận Hoàng Mai hiện có 1.000/4.000 ha đất nằm ngoài đê sông Hồng, Điều 17 Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua 28/6 quy định trong khu vực hành lang thoát lũ được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ được duyệt. Nhưng đến nay mới 15 hộ thuộc phường Lĩnh Nam được cấp Giấy phép cải tạo, xây dựng, nhiều năm qua tại phường Lĩnh Nam, phường Thanh Trì người dân đang gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà ở phía ngoài đê.
Về việc chậm tiến độ cấp đất giãn dân khu vực Đầm Đào (119 hộ, phường Thanh Trì) và 102 hộ dân phường Vĩnh Hưng, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trước, người dân đã nhiều lần có ý kiến đề nghị việc cấp đất giãn dân đảm bảo đúng tiến độ nhưng đến nay, hơn 23 năm vẫn chưa thực hiện được. Được biết, từ năm 2004 – 2009, người dân Vĩnh Hưng đã nộp hơn 100 triệu đồng để xây dựng hạ tầng khu đất và kiến nghị, chính quyền tiếp thu và chờ...
Hình ảnh 16 điểm dây điện, cáp truyền hình, cáp viễn thông thấp võng được người dân phường Hoàng Văn Thụ, Mai Động kiến nghị Điện Lực Hoàng Mai phải nhanh chóng giải quyết trước mùa mưa bão. Cư dân chung cư G5 Khu đô thị Đại Kim (Phố Nguyễn Cảnh Dị) phản ánh phải trả giá nước sinh hoạt 16.150 đồng/m3, gấp đôi nơi khác 12 năm nay vì phải mua qua hợp đồng kinh doanh thông qua chủ đầu tư.
Cử tri phản ánh nhiều về việc hiện quận có 87 di tích đã được xếp hạng, nhưng đến nay có 8 di tích chưa được cắm mốc di tích. Nguyên nhân chính là do bị người dân lấn chiếm đất, sinh hoạt trong khuôn viên, điển hình là chùa Sét. Đối với đình Hoàng Mai, người dân đã nhiều lần khiếu nại chính quyền phường Hoàng Văn Thụ về việc để di tích lịch sử - văn hóa đình Hoàng Mai đã bị xâm hại nghiêm trọng nhiều năm qua.
Cư dân khu tái định cư Đền Lừ I, Đền Lừ II, đặc biệt là các tòa nhà chung cư tái định cư (Nhà A2, B, C, E, H, G…) xuống cấp, đã bị hỏng hệ thống thang máy, thoát nước, điện. Nhân dân kiến nghị nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn chậm giải quyết, cử tri tiếp tục đề nghị Thành phố chỉ đạo, Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội có biện pháp sửa chữa kịp thời để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Tiếp đến, Công viên Vĩnh Hoàng có địa giới thuộc địa bàn 2 phường Hoàng Văn Thụ và Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai). Đây là dự án công viên do chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7). Hiện chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao cho quận Hoàng Mai quản lý, nên Công viên Vĩnh Hoàng rơi vào tình trạng hoang tàn, nhếch nhác.
Không chỉ người dân bức xúc những vấn đề dân sinh thường nhật mà ngay cả việc trạm biến áp nằm giữa UBND phường và Công an phường Giáp Bát… 20 năm nay mà chưa được giải quyết.
"Công tác giải phóng mặt bằng, người dân kiến nghị khá nhiều đang được quận dần tháo gỡ. Có những điểm nóng như: giải phóng mặt bằng dự án đường Tam Trinh, đường Lĩnh Nam... nhưng tôi tin sau khi Quận ủy, HĐND, UBND quận liên tiếp tổ chức đối thoại, tình hình dịu đi nhiều", Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Nguyễn Xuân Linh chia sẻ tại phiên giải trình.
Cần phiên giải trình cấp Thành phố
Trong phiên giải trình, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Nguyễn Xuân Linh và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Hoàng Mai Lê Minh Trường đã đặt rất nhiều “câu hỏi khó” cho đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Văn hoá Thông tin quận, Công ty Điện lực Hoàng Mai, … và Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng.
Đáng chú ý, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai giao ngay UBND quận tổ chức cắm mốc các di tích lịch sử, không cần chờ di chuyển các hộ dân ra khỏi di tích... và những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết cấp quận đã được người chủ trì của phiên họp quyết định ngay tại chỗ, chỉ định đơn vị thực hiện, mốc thời gian hoàn thành và công khai trả lời cho cử tri.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Hoàng Mai Lê Minh Trường còn yêu cầu Điện lực Hoàng Mai giải quyết đi ngầm hệ thống dây từ nay đến năm 2030, trước đề xuất của đơn vị này 2 năm.
HĐND quận Hoàng Mai yêu cầu Điện lực Hoàng Mai phải đồng bộ hóa theo lộ trình nâng cấp đô thị của quận, tránh việc đào xới sau khi địa phương hoàn thiện các tuyến đường.
Cũng tại phiên giải trình, phần lớn các đại biểu, cử tri đều thấy rằng, với hàng loạt vấn đề vượt ngoài thẩm quyền, muốn giải quyết nhanh, đúng luật cần phải có phiên giải trình chuyên đề về Hoàng Mai của Thường trực HĐND Thành phố.