Tiến tới thay thế các loại giấy tờ
Theo Dự thảo Luật, để bảo đảm đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số CMND sẽ được quy định là số định danh cá nhân, đây chính là "chìa khóa" giúp khai thác các thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước, cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không phải yêu cầu công dân xuất trình nhiều giấy tờ không cần thiết. Một điểm mới được nhấn mạnh là trong trường hợp đổi, cấp lại CMND (khi di chuyển đổi hộ khẩu từ tỉnh này sang tỉnh khác), số CMND vẫn giữ như cấp lần đầu. Đáng chú ý là Dự thảo Luật không hạn chế người làm thủ tục cấp CMND, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chấp hành án phạt tù, giáo dưỡng…, nhằm bảo đảm quyền được cấp CMND của công dân để phục vụ việc giao dịch, đi lại…
Thời hạn sử dụng của CMND cũng có thay đổi khi quy định thời hạn sử dụng tương thích với từng độ tuổi nhất định...
Nhiều thành viên UBTV Quốc hội tán thành với quy định trong Dự thảo Luật về việc CMND có đầy đủ thông tin cần thiết và về lâu dài có thể nghiên cứu tiến tới thay cho sổ hộ khẩu. Đồng thời, tiến tới làm thẻ công dân điện tử. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Việc tiếp cận theo hướng về lâu dài thẻ căn cước công dân thay hộ khẩu là sự tiến bộ vì khi có số định danh với việc tích hợp các dữ liệu đầy đủ, hợp lý để giảm bớt giấy tờ cho người dân. Tuy nhiên, không nhất thiết phải đưa hết tên cha mẹ và các mối quan hệ vào nội dung của CMND, nhưng khi đăng ký phải có, chỉ cần tra mã số sẽ thấy dữ liệu, đồng thời, thủ tục cấp, đổi phải đơn giản.
Vẫn lo phát sinh thủ tục hành chính
Một vấn đề vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau là có nên đổi tên CMND thành Thẻ căn cước hoặc Thẻ căn cước công dân cho phù hợp với tên luật hay không. Có ý kiến cho rằng, nếu thực hiện sẽ phải thay đổi toàn bộ hệ thống giấy tờ, biểu mẫu gây tốn kém không cần thiết. Cùng với đó, việc quản lý công dân liên quan đến nhiều luật và dễ dẫn đến sự chồng chéo, phát sinh thủ tục cũng là lo lắng được đặt ra. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị ban soạn thảo cần rà soát để đảm bảo thống nhất và nguyên tắc phải giảm được thủ tục hành chính.
Nhấn mạnh đến việc tất cả các luật liên quan đến công dân phải thống nhất, tinh thần đổi mới là làm đồng bộ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: Phải làm thế nào bỏ bớt thủ tục hành chính để người dân ít bị phiền phức và Nhà nước quản lý tốt. Còn về sự thay đổi, khi có cái mới thì thay cái cũ, chưa làm cái mới thì cái cũ còn giá trị, tất cả phải giải thích với dân. "Xây dựng luật phải hợp hiến và thống nhất hệ thống luật. Làm luật nào cũng phải đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân. Do đó, các quy định phải rõ ràng trên cơ sở nghiên cứu, rà soát chặt chẽ. Làm luật là để phục vụ Nhân dân, bảo vệ quyền của Nhân dân và đảm bảo quản lý Nhà nước, chứ không phải làm luật để quản lý Nhân dân" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.
Dự thảo Luật Căn cước công dân sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII tới đây để xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo đúng quy trình.
Chiều 12/3, UBTV Quốc hội thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Hải quan (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
|