KTĐT - Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 10 tháng qua, Việt Nam đã XK được 5,372 triệu tấn gạo, trị giá 2,173 tỷ USD, tăng 33,23% về lượng nhưng giảm 7,65% về giá trị.
Xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục
Mặc dù Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu (XK) gạo lớn trên thế giới nhưng trong thời gian qua, khoảng cách giữa giá gạo XK của Việt Nam và Thái Lan ngày càng rộng. Ngoài ra, trong thời gian qua hoạt động điều hành XK gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại khá cứng nhắc, gây nên những tổn hại không chỉ cho doanh nghiệp XK gạo mà cả cho người nông dân. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo “Điều hành xuất khẩu gạo - Thực trạng và giải pháp” do Hội Nông dân Việt Nam và Báo Nông thôn Ngày nay vừa phối hợp tổ chức.
Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 10 tháng qua, Việt Nam đã XK được 5,372 triệu tấn gạo, trị giá 2,173 tỷ USD, tăng 33,23% về lượng nhưng giảm 7,65% về giá trị. Hiện các hợp đồng XK gạo Việt Nam đã ký và chuẩn bị giao hàng là 6,041 triệu tấn gạo, đây là mức XK cao nhất kể từ khi hồi Việt Nam XK gạo ra thị trường thế giới. Hiện Gạo XK của Việt Nam chủ yếu tập trung vào một số thị trường chính là Indonexia, Philipin, Cu Ba, I rắc. Đặc biệt, trong năm 2009, thị trường XK gạo của Việt Nam sang Châu Phi và Trung Đông tăng mạnh. Sản lượng gạo xuất khẩu sang Châu Phi 9 tháng qua đạt 1,4 triệu tấn, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Đông đạt gần 250.000 tấn, tuy chỉ chiếm 5% tổng sản lượng XK nhưng tăng tới 65% so với cùng kỳ.
Theo Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Trần Đức Tụng: Dự kiến tổng sản lượng lúa gạo năm 2009 của cả nước sẽ đạt 38,9 triệu tấn thóc, vượt qua 2008, năm được coi là sản xuất lúa gạo đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Do vậy, vấn đề đặt ra, làm sao tiêu thụ được lúa hàng hóa cho người nông dân song vẫn đảm bảo cho người nông dân có lãi 30% như chỉ tiêu mà Chính phủ đưa ra. Ông Tụng cho biết thêm: Việt Nam với những vựa lúa lớn, trải đều trong cả nước, dù thiên tai có gây tổn thất mùa màng một số vùng, thì cân đối lương thực cả nước vẫn có đủ gạo ăn cho hơn 89 triệu dân và còn thừa từ 4 đến 5 triệu tấn gạo/năm để XK. Đó là chưa kể gạo từ Campuchia bán sang Việt Nam cả triệu tấn/năm và hơn triệu tấn bột mì nhập khẩu/năm cũng được đưa vào cân đối lương thực.
Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo ông Nguyễn Đình Cung -Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế: Mặc dù lượng gạo XK của Việt Nam liên tục tăng nhưng giá trị XK lại không tương xứng, hiện giá gạo XK của Việt Nam đang thấp hơn gạo Thái Lan khoảng 140 USD/tấn. Có tình trạng này là do việc điều tiết của VFA còn cứng nhắc, không linh hoạt, chủ yếu chạy theo số lượng XK mà quên mất lợi ích của việc XK gạo đang thuộc về ai, nông dân được hưởng lợi gì? VFA đặt quá nhiều mục tiêu về XK gạo nhưng có 2 mục tiêu quan trọng là tiêu thụ hết lúa hàng hóa và làm đời sống người dân tăng lên thì lại không làm rõ. Không chỉ có vậy, việc điều tiết XK lúa gạo thời gian qua còn áp dụng mệnh lệnh hành chính, thiếu thông tin đối với DN nhỏ và người nông dân khiến hoạt động XK gạo vẫn chưa thực sự là một cuộc chơi bình đẳng.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, trong nền kinh tế thị trường, cần tránh sự điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính, không thông tin minh bạch. "VFA nói rằng họ chỉ giữ quyền nhận đăng ký hợp đồng XK gạo, thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng, các hợp đồng XK gạo phải có "dấu treo" của VFA thì mới được Hải quan cho thông quan. Mà muốn có dấu treo trên bản hợp đồng thì phải "nhờ vả" qua Tổng công ty Lương thực Miền Nam. Nếu không thì VFA vẫn cứ cho đăng ký, nhưng hợp đồng sẽ không có dấu của VFA và không được thông quan. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh lương thực nên có chiến lược dài hạn chứ không nên thay đổi trong một thời gian ngắn như hiện nay”. Ông Doanh bầy tỏ quan điểm.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, Ông Nguyễn Đăng Chi, Vụ phó Vụ Xuất khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương soạn thảo nghị định về XK gạo, sắp tới dự thảo nghị định sẽ được trình lên Chính phủ. Theo đó, XK gạo sẽ trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thương nhân phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo mới được tham gia. Ông Lê Quốc Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: vấn đề cấp thiết là phải "cải tổ" ngay bộ máy của VFA, bởi bộ máy VFA và cách thức điều hành hiện nay chỉ phù hợp với giai đoạn sơ khởi của kinh tế thị trường. Giờ đây, nền kinh tế thị trường ở nước ta đã phát triển, nên cấp thiết phải tái cấu trúc lại bộ máy của VFA. Bên cạnh đó, cần phải cổ phần hóa hai Tổng công ty lương thực Miền Bắc và Miền Nam, bao gồm tất cả các công ty thành viên. Khi đã cổ phần hóa, thì toàn bộ cơ sở vật chất, tiền bạc là của cá nhân, họ sẽ buộc phải tìm cách kinh doanh có hiệu quả bằng chính thực lực của mình. Khi mọi doanh nghiệp hoàn toàn bình đẳng, sẽ tạo ra một hệ thống kinh doanh sôi động và minh bạch, đẩy mạnh khả năng tiêu thụ sản phẩm.,.