Trong khi WHO đưa ra những khuyến cáo mạnh mẽ và nhiều quốc gia cũng đã cấm việc sử dụng amiăng trắng, Việt Nam lại đang đi ngược xu hướng chung vì cho rằng amiăng vẫn còn mang lại lợi ích về kinh tế.
Theo thống kê, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục đứng trong top 10 nước tiêu thụ amiăng lớn nhất thế giới. Trung bình, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ (nhập khẩu) khoảng 65.000 tấn amiăng trắng.
Đáng nói hơn, số lượng amiăng tại Việt Nam đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Nếu năm 2011, lượng amiăng tiêu thụ tại Việt Nam là gần 60.000 tấn (xếp thứ 9), năm 2012 là 79.000 tấn (đứng thứ 6) và top 5 các nước châu Á sử dụng amiăng vào năm 2012.
Tấm lợp bằng amiăng (ảnh: Người Lao động)
|
Mới đây, tại hội thảo khoa học “Amiăng với sức khỏe” do Bộ Y tế phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, GS Ken Takahashi, Giám đốc Trung tâm Hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sức khỏe nghề nghiệp, ĐH Sức khỏe môi trường và nghề nghiệp Nhật Bản cho biết, tất cả các dạng amiăng đều có khả năng gây ung thư. Nhật Bản cấm sử dụng amiăng trắng từ năm 2006 sau một sự cố khiến nước này phải bồi thường 100 triệu USD cho 274 người từng ở gần nhà máy amiăng.
Đồng quan điểm trên, TS Nasir Hassan, chuyên gia về sức khỏe môi trường của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, khẳng định thông tin amiăng trắng sẽ an toàn nếu sử dụng trong một ngưỡng nhất định là hoàn toàn sai. Hằng năm, hơn 100.000 người chết do các bệnh liên quan đến amiăng và tốt nhất là ngừng sử dụng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Amiăng gây nên nhiều hệ lụy là vậy nhưng tại Việt Nam, hiện có hơn 3.000 sản phẩm thương mại sử dụng amiăng như tấm lợp AC, tấm cách âm, phanh ô tô... Ngoài ra, trong quy trình khai thác mỏ, đóng tàu thủy, phá dỡ hoặc cải tạo các công trình kiến trúc đều có sử dụng vật liệu amiăng…
Theo TS Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, vấn đề bảo hộ lao động trong các cơ sở sản xuất liên quan đến amiăng còn lỏng lẻo. Nhiều nơi, công nhân dùng tay không bốc amiăng, đi chân trần trên nền đất rơi vãi amiăng; không mặc quần áo bảo hộ, không đeo khẩu trang khi làm việc với amiăng. Đáng lo ngại, nhiều gia đình vẫn lợp mái nhà bằng tấm lợp có chất amiăng, sau đó hứng nước mưa dưới mái nhà để sử dụng, uống trực tiếp nước có thôi nhiễm sợi amiăng.
BS TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) từng đặt vấn đề một cách thú vị trước ý kiến cho rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu về vấn đề amiăng.
“Chúng ta là thành viên của WHO, chúng ta đã chấp nhận nhiều khuyến cáo của WHO nhưng riêng vấn đề amiăng lại đi theo xu thế ngược lại. Tôi cho rằng, nếu có nghiên cứu tiếp tục thì chúng ta cần phải nghiên cứu xem vì sao riêng vấn đề amiăng chúng ta lại đi ngược lại xu thế của thế giới”, TS Tuấn nói.
Dừng ngay việc sử dụng amiăng
Mới đây, Bộ Y tế đã soạn thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị đưa ra một lộ trình tiến tới cấm sử dụng amiăng vào năm 2020. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế nhận định Việt Nam cần có cái nhìn chiến lược từ những bài học của Nhật và Australia trong vấn đề amiăng để không quyết định quá muộn về kinh tế cũng như sức khỏe cộng đồng. Bởi sau nhiều năm tranh cãi, Việt Nam vẫn chưa có bất cứ công nghệ, quy trình nào xử lý được các phế thải này.
Cục Quản lý môi trường Y tế - VIHEMA (Bộ Y tế) vừa phát đi thông báo về tác hại của Amiăng với sức khỏe con người. Theo đó Cục Quản lý môi trường Y tế cho biết, sau hơn 40 năm nghiên cứu (từ năm 1973), Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc tổ chức Y tế thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại Amiăng vào nhóm chất gây ung thư ở người.
Trên tạp chí số 100C của IARC kết luận: Mặc dù có sự khác biệt về mức độ độc hại trong các nghiên cứu của nhiều tác giả được công bố, nhưng kết luận chung là tất cả các loại Amiăng, bao gồm cả Amiăng trắng đều gây ung thư và không có ngưỡng an toàn cho chất gây ung thư.
Amiăng gây hại chủ yếu qua đường hô hấp
Theo cảnh báo, Amiăng xâm nhập vào cơ thể con người và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi Amiăng. Đặc biệt trong quy trình sản xuất như xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn… hoặc trong khi khoan, cắt tấm lợp, vật liệu có chứa Amiăng.
Theo cảnh báo, Amiăng xâm nhập vào cơ thể con người và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi Amiăng. Đặc biệt trong quy trình sản xuất như xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn… hoặc trong khi khoan, cắt tấm lợp, vật liệu có chứa Amiăng.
Amiăng khi vào cơ thể gây nên bệnh bụi phổi – Amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim) dễ gây tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng.
Tuy gây hại sức khỏe con người nhưng không phải ngay lập tức Amiăng gây ảnh hưởng sức khỏe, thông thường phải từ 20-30 năm sau khi tiếp xúc. Theo con số của AIRC đưa ra, mỗi năm có hơn 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu người phải sống khuyết tật do độc hại của Amiăng. Trong đó số người chết do ung thư phổi biểu mô ác tính là 59.000 người.
Amiăng cũng là nguyên nhân dẫn gây ra 80% các trường hợp ung thư trung biểu mô ác tính ở người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính ngày càng gia tăng ở ác nước phát triển đã sử dụng nhiều Amiăng trong quá khứ.
Các tổ chức Y tế thế giới cho biết, rất khó kiểm soát mức độ an toàn đối với sức khỏe con người tại các cơ sử sản xuất và sử dụng Amiăng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Vì vậy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đề khuyến nghị các nước loại bỏ sử dụng các loại Amiăng.