Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần giải pháp đồng bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông nông thôn ngày càng được đầu tư xây dựng hoàn thiện giúp người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn.

 Tuy nhiên, tình trạng mất ATGT và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn theo đó cũng tăng lên. Để khắc phục tình trạng này, cần quan tâm đúng mức đến vấn đề tuyên truyền giáo dục về ATGT để người dân thích nghi với điều kiện mới vẫn còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức.

 Còn nhiều bất cập

Không ít người nghĩ rằng, TNGT nghiêm trọng chỉ xảy ra trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, chứ không phải ở các đường liên xã, liên thôn. Nhưng thực tế, số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn nông thôn liên tục tăng và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Người dân vi phạm luật giao thông tại đường liên thôn, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân vi phạm luật giao thông tại đường liên thôn, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Hiện, hầu hết các đường giao thông tại khu vực nông thôn đều đã được bê tông hóa, song thiếu tính đồng bộ về chất lượng, kích thước. Nhiều chỗ quá rộng, nhưng nhiều chỗ lại quá hẹp. Bên cạnh đó, đường giao thông liên thôn, liên xã vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tầm nhìn của người tham gia giao thông còn bị nhiều vật che khuất. Hệ thống biển báo tín hiệu, vạch sơn kẻ đường thiếu, bố trí không hợp lý. Mặt khác, đường giao thông tại các khu vực nông thôn lại thường xuyên bị lấn chiếm làm nơi họp chợ, phơi - đốt rơm rạ... gây cản trở, khó khăn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đã có không ít trường hợp bị khói bay vào mắt hay đi vào ổ gà do bị rơm rạ che khuất, dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.

Về ý thức tham gia giao thông, việc am hiểu luật của người dân tại các khu vực nông thôn rất hạn chế, có phần chủ quan, theo thói quen đi lại cũ. Bên cạnh việc thiếu kỹ năng quản lý các tình huống giao thông, tình trạng chở quá số người, sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, không có bằng lái... thường xuyên xảy ra.

Một vấn đề nổi cộm gây mất ATGT tại nông thôn là các phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật. Phần lớn xe máy lưu hành ở khu vực này đã cũ, lại thường xuyên được chế tạo, thay đổi kết cấu để phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa, sản xuất của người dân. Đây là nguy cơ tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm và mất an toàn kỹ thuật, đe dọa tới tính mạng chính chủ phương tiện cũng như những người tham gia giao thông khác. Thêm vào đó, các xe thô sơ tự chế từ máy cày, máy kéo (xe công nông) rất nhiều do tiện lợi di chuyển vào ngõ nhỏ của làng xóm, nhà dân. Tuy nhiên, đây là loại xe tự chế nên không có bất kỳ quy định, điều kiện, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật nào, không có sự quản lý, đăng kiểm, chứng nhận của các cấp, đồng thời cũng không có quy định về đối tượng người lái. Do đó, rất khó để kiểm soát cũng như đảm bảo các vấn đề về an toàn trong khi vận hành, tốc độ lưu thông trên đường. Mặt khác, khi lưu hành ban đêm, xe công nông rất khó phân biệt, dễ gây nhầm tưởng với xe máy do chỉ có một đèn chiếu sáng, phương tiện đi ngược chiều tránh không hết sẽ dễ gây va chạm, tai nạn xảy ra rất nghiêm trọng.

Tích cực tuyên truyền, tăng ý thức

Trước thực trạng giao thông nông thôn còn rất nhiều bất cập, hơn bao giờ hết cần sự phối hợp vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, nhằm đẩy mạnh và tăng cường tuyên truyền ATGT cho người dân. Thực hiện lồng ghép nội dung đảm bảo ATGT với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hoặc qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa, phát thanh tại thôn, xóm hàng ngày. Phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể như đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ... để tăng chất lượng, đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi họp chợ, phơi rơm rạ. Không làm mái che, mái vẩy gây cản trở giao thông... Vận động bà con nâng cao tinh thần tự quản, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, sạch sẽ, thông thoáng. Kết hợp với các trường học để giáo dục về luật giao thông, các biện pháp đảm bảo ATGT cho học sinh. Tăng cường lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ tại các điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT để hướng dẫn người dân khi lưu thông cũng như giảm thiểu vấn đề mất trật tự ATGT... Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường kiểm tra và khắc phục nhanh chóng những bất cập còn tồn đọng của hệ thống giao thông đường liên thôn, liên xã như thiếu đèn chiếu sáng, vạch sơn, biển hiệu... Có cơ chế bảo trì, nâng cấp kịp thời đúng lúc. Đặc biệt, với vấn đề xe công nông, xe tự chế, các cấp cần đưa ra biện pháp xử lý quyết liệt với các vi phạm, đồng thời vận động người dân tham gia đi học, thi lấy bằng lái. 

Vẫn biết để đảm bảo ATGT khu vực nông thôn là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà phải có lộ trình. Tuy nhiên, với sự quan tâm vào cuộc của tất cả các cấp, ngành và đoàn thể, mọi đối tượng, vấn đề mất trật tự ATGT, TNGT tại khu vực nông thôn sẽ được giảm thiểu cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.