Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần giải pháp nâng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ tư, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2017.

Nhiều ý kiến cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi kinh tế tăng trưởng thấp, đặt ra yêu cầu cao trong điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách giá cả.
Theo Ủy viên Ủy ban Kinh tế Phạm Quang Dũng, tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua từ đầu tư công là chính. Nếu thắt chặt đầu tư công sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, vì thế phải duy trì tỷ lệ, mức vốn cho đầu tư công, không để hạn mức giảm quá sâu. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc tái cấu trúc DN Nhà nước phải đẩy mạnh, thu nguồn vốn đó rồi chuyển cho tư nhân và đầu tư hạ tầng. Cần có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN thông qua việc hỗ trợ về kiến thức, năng lực quản trị để DN tồn tại và đứng vững trên thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 đã đề ra cần tập trung vào một số giải pháp như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, giải ngân tốt nguồn vốn FDI đã cam kết. Theo đánh giá của Chính phủ, những tháng qua, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước. Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép. Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2016 ước bằng khoảng 33% GDP (cùng kỳ đạt 32,6% GDP). Lần đầu tiên có trên 110.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay…