Tuy nhiên nhìn vào hành trình của các cầu thủ trẻ ở giải đấu này, người ta thấy một câu chuyện khác, một tư duy khác về phát triển bóng đá.
Bóng đá không phải một cơn say
Hai năm trước, U19 Việt Nam với nòng cốt là U19 HAGL xuất hiện. Ngay lập tức, với lối chơi đẹp mắt, kỹ thuật, họ đã chinh phục những khán giả khó tính nhất. Lần đầu tiên sau nhiều năm, người ta mới được thấy một tập thể có nhiều cầu thủ có tố chất kỹ thuật tốt đến vậy. Họ chơi bóng như thêu hoa dệt gấm. Nói như Chủ tịch VFF thì “không thể không tự hào khi một đội bóng trẻ Việt Nam dám tự tin cầm bóng, áp đặt lối chơi lên các “ông lớn” đến từ Nhật Bản, Australia và Italia”.
Cũng vì sự lãng mạn mà người ta dần đi đến một nhận thức mới, đó là không coi trọng về thành tích chung cuộc. U19 Việt Nam năm lần bảy lượt thất bại ở trận chung kết thì dư luận vẫn kiên nhẫn chờ đợi vào quả ngọt ở tương lai. Người hâm mộ vẫn hào hứng đón U19 Việt Nam trở về sau mỗi thất bại như những người hùng. Thế nhưng, cơn say mang tên U19 Việt Nam nhanh chóng qua đi khi các cầu thủ thuộc Học viện HAGL quá tuổi tham dự sân chơi trẻ. Người ta lại không thể trông cậy vào quân của bầu Đức do không có lứa kế cận. Và sau cơn say, người ta phải tỉnh, rằng nền bóng đá không thể mãi dựa vào sự hào phóng và hưng phấn của bầu Đức. Các nhà chuyên môn phải chạy đôn chạy đáo tìm quân và thật may, họ đã tìm thấy 2 trung tâm đào tạo bài bản, lớp lang nhưng không hào nhoáng bằng Học viện của bầu Đức là PVF và Viettel.
Muốn nhà cao, móng phải tốt
Bầu Đức có tiêu chí đào tạo và phát triển riêng. Ông chạy theo chiến lược hợp tác với Arsenal. Với bầu Đức, ngay cả việc tuyển chọn, đào tạo cầu thủ cũng mang đến cơ hội để quảng bá thương hiệu. Nhưng, dù mô hình của bầu Đức có long lanh đến đâu thì một nền bóng đá, một đội tuyển không thể dựa vào một trung tâm. Bằng chứng là khi U19 HAGL không tham dự giải trẻ quốc gia thì hàng chục trung tâm đào tạo khác vẫn nhập cuộc một cách hào hứng. Và U19 Việt Nam hôm nay được tuyển chọn ở giải đấu vốn không có HAGL của bầu Đức.
Các nhà hoạch định chiến lược của nền bóng đá Việt Nam từng chỉ ra rằng, muốn có đội tuyển mạnh thì công tác đào tạo trẻ phải được tiến hành bài bản, rộng khắp. Thế nhưng, đây là một công việc gian nan, lâu dài và tốn kém. Chẳng ngạc nhiên khi hàng loạt trung tâm đào tạo nức danh như SLNA, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Nam Định dần chệch hướng đầu tư. Với những đội bóng này, có đủ tiền nuôi đội lớn đã là một điều đáng ghi nhận thì nói đâu đến việc đua với HAGL về sự bài bản về đầu tư.
Rất may trong bối cảnh này là bóng đá Việt Nam vẫn có được những trung tâm đào tạo chất lượng như Viettel, PVF, T&T. Các trung tâm này chiếm đến 2/3 quân số của U19 Quốc gia và trở thành những mắt xích quan trọng giúp đội bóng thành công. Người ta sẽ giật mình nếu biết rằng, mỗi năm, các trung tâm này tiêu tốn hàng chục tỷ đồng cho việc duy trì và phát triển các lứa trẻ. Với PVF và Viettel thì còn có cả chi phí đi du đấu ở nước ngoài lên đến hàng tỷ đồng.
Công bằng mà nói, bóng đá Việt Nam vẫn có một hệ thống đào tạo tương đối phát triển. Vấn đề lúc này là VFF, các cơ quan quản lý phải có được hành động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng và sự đồng bộ ở các lò đào tạo. Điều đầu tiên là cần phải nâng cao chất lượng, cung cấp kiến thức mới cho các HLV trẻ ở địa phương thay vì để họ “tự bơi” và huấn luyện dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Có như vậy thì bóng đá Việt Nam mới hết cảnh ăn đong trong việc tuyển chọn nhân sự cho các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia.
Một pha lên bóng của đội U19 Việt Nam (giữa) trong trận chung kết với U19 Thái Lan.
|