Ngay sau khi xăng dầu tăng giá lên mức 24.578 đồng/lít, giá các mặt hàng thực phẩm kinh doanh tại các chợ đã tăng nhẹ. Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội các loại rau, củ, quả tăng từ 1.000 - 5.000 đồng/mớ/kg; thịt lợn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, thịt gia cầm 10.000 - 15.000 đồng/kg… Những người kinh doanh cho biết: Giá xăng tăng khiến tiền công vận chuyển cũng bị đội giá nên phải đẩy giá hàng hóa lên theo để bù vào chi phí vận chuyển.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận định: Việc giá hàng hóa tăng trong những ngày gần đây không chỉ do xăng dầu tăng giá mà còn do mạng lưới lưu thông sản phẩm chưa được quản lý chặt. Điều đó dẫn đến tình trạng lợi dụng độc quyền để nâng giá bán nông sản như việc Công ty CP Thái Lan hai lần nâng giá trứng đã khiến dư luận bất bình và cơ quan chức năng phải vào cuộc. Vì vậy, nếu không sớm đưa ra các biện pháp quản lý giá hữu hiệu, giá nông sản còn diễn biến bất thường.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng: 6 tháng cuối năm, CPI sẽ có biến động mạnh và tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm do sản xuất kinh doanh dần phục hồi, tổng cầu sẽ được cải thiện...
Thực tế hoạt động thương mại cũng cho thấy, chỉ số CPI thường tăng cao vào tháng Tết Âm lịch, sau đó giảm dần tới tháng 8 và tăng trở lại từ tháng 9. Tuy nhiên, ngoài những diễn biến thông thường, giá hàng hóa năm 2013 còn ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố mới như: Từ ngày 1/7 Nhà nước đã tăng lương cơ bản, đồng thời một số mặt hàng mà Nhà nước còn định giá như điện dự kiến sẽ có sự điều chỉnh trong thời gian tới. Đây là những nhân tố ảnh hưởng đến giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Tại buổi họp tổng kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2013, đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận, đợt tăng giá xăng dầu ngày 17/7 vừa qua đóng góp vào mức tăng CPI tháng 8 so với tháng 7 là khoảng 0,1%.
Còn nhiều yếu tố tác động đến giá cả của các mặt hàng tiêu dùng trong nước vào những tháng cuối năm. Ảnh: Yên Chi
Tăng cường phối hợp quản lý giá
Để ngăn chặn tình trạng giá hàng hóa tiêu dùng biến động mạnh, gây tác động xấu đến nền kinh tế đòi hỏi sự phối hợp giữa các bộ, ngành với các địa phương trong việc tăng kích cầu, quản lý giá, từ đó tạo đà tăng trưởng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cùng việc thực hiện tốt Nghị quyết 02 của Chính phủ còn cần các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết tình trạng nợ xấu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, từ đó giảm lượng hàng tồn kho; Các bộ, ngành cần đẩy mạnh phối hợp với các địa phương trong việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, khắc phục tình trạng mua bán chồng chéo, lũng đoạn thị trường; tổ chức lại thị trường nông sản theo chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, đưa ra những giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán lòng vòng để hạ giá thành sản phẩm. Với các mặt hàng thiết yếu, Nhà nước nên giao cho các tập đoàn kinh tế lớn tổ chức hệ thống phân phối quốc gia. Đặc biệt, việc quản lý và điều hành giá xăng, dầu trong nước phải theo đúng tín hiệu thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều, lượng hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân.
Ngoài ra, muốn quản lý được giá cả hàng hóa, góp phần kiềm chế lạm phát, ngoài những chính sách bình ổn thị trường, quan trọng là đưa ra các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng tổng cầu. Vừa qua, TP Hà Nội đã xây dựng chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội 2013, qua đó bình ổn giá cả thị trường và kích cầu tiêu dùng cuối năm là một ví dụ cụ thể cho giải pháp này. Bên cạnh đó, các DN cần củng cố thị trường truyền thống, đồng thời phát triển thị trường mới, từ đó tạo nguồn cung ứng và tiêu thụ bền vững, qua đó giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho.