Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm 76 điều thể hiện trong 10 chương, quy định việc quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển từ chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ; quản lý tài nguyên hải đảo, bảo vệ môi trường biển... Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật, các ý kiến tham gia, ý kiến của Hội đồng thẩm định, ý kiến của thành viên Chính phủ cơ bản đều nhất trí cao với các nội dung của dự án Luật. Tuy nhiên, về tên của Luật còn có ý kiến khác nhau. Nhóm ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ nguyên tên gọi của Luật là “Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo” theo Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội. Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị đổi tên gọi của Luật là “Luật tài nguyên, môi trường biển” để bảo đảm tính thống nhất trong cách đặt tên giữa Luật này với Luật biển Việt Nam. Qua thảo luận, Chính phủ đã nhất trí giữ nguyên tên gọi của Luật là “Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo”. Sau khi Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang trình bày Tờ trình về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Theo nhận định, bố cục của dự thảo Luật cơ bản hợp lý, nội dung của Dự thảo Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Tuy nhiên, đây là Luật mới có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều Luật khác. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, đối tượng quản lý, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong việc quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để không chồng chéo với quy định của các luật khác. Về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định liên quan trong Dự thảo Luật để quy định rõ về thẩm quyền lập, phê duyệt chiến lược cho phù hợp hơn. Trong đó bổ sung những quy định liên quan đến quốc phòng, an ninh trong quá trình lập chiến lược và trách nhiệm xử lý vi phạm. Đặc biệt cân nhắc quy định tại khoản 6, Điều 9 “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được lập cho giai đoạn 10 năm”. Bởi thời gian như vậy là quá ngắn, đối với một số nguồn tài nguyên có giá trị cao như dầu mỏ, khí đốt là có hạn, nếu chỉ xây dựng chiến lược khai thác, sử dụng trong 10 năm thì không thể có quy hoạch khai thác hợp lý được. Về quy định cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nhận thấy, Dự thảo Luật chưa đề cập trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài xin phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam. Thiếu quy định các điều kiện để được cấp phép hay không cấp phép nghiên cứu khoa học. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung trong Luật này về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp phép hoạt động nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam. Đồng thời vùng biển Việt Nam là chủ quyền Việt Nam có liên quan đến nhiều công trình quan trọng về quốc phòng và an ninh, do đó trong quá trình cấp phép nghiên cứu cần cân nhắc kỹ lưỡng và có quy định cụ thể để bảo đảm được bí mật quốc gia, an ninh, an toàn trên biển. Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục, xử lý sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển bảo đảm sự phù hợp thống nhất với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Trong đó bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí phân cấp sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; bổ sung trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và rà soát lại về thẩm quyền quy định khu vực hạn chế hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.