Kinhtedothi - Ngày 10/3, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã bắt đầu Phiên họp thứ 26, cho ý kiến vào Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, những quy định mới "thông thoáng" hơn về kinh doanh bất động sản được tán thành, nhưng việc mở rộng đến mức nào vẫn là vấn đề gây nhiều băn khoăn
Thuê mua dễ dẫn tới thị trường ảo
Bất động sản dù là hàng tồn của chủ đầu tư nào, xét cho cùng cũng là của cải, mồ hôi của dân. Luật điều chỉnh thị trường kinh doanh bất động sản phải khắc phục những bất cập như vậy.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn |
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được nghiên cứu, bổ sung nhiều nội dung mới, thông thoáng hơn luật hiện hành. Đồng thời nhấn mạnh đến việc đầu tư kinh doanh bất động sản phải tuân thủ đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư bất động sản tự phát, theo phong trào, mất cân đối, lệch pha cung - cầu, bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả.
Một điểm mới nhận được nhiều sự quan tâm của các thành viên UBTV Quốc hội là mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành. Theo nhận định của Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc mở rộng quy định này có điểm tích cực là tạo điều kiện cho bên thuê bất động sản chủ động tham gia với chủ đầu tư trong việc hoàn thiện thiết kế, tránh tình trạng phải cải tạo, sửa chữa cho phù hợp với mục đích thuê gây tốn kém, lãng phí. Tuy nhiên, cảnh báo hình thức này rất dễ nảy sinh tranh chấp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Phải làm rõ nội hàm nhà, công trình hình thành trong tương lai để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp giữa các luật đã và sẽ ban hành... Đồng thời, quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua bất động sản.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN
|
Cho rằng cần cân nhắc giữ như luật hiện hành, chứ không nên mở rộng, dễ gây nên hiện tượng kinh doanh ảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: "Hiện nay một số dự án bất động sản tương lai tương đối mờ mịt, nhiều người bỏ tiền ra để mong muốn có đất nhưng bị đình trệ, thậm chí người đã nộp tiền nay còn không biết đòi tiền ở đâu. Chúng ta lại còn cho phép, cho thuê, thuê mua trong tương lai sẽ dẫn tới thị trường ảo". Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đề nghị, cần có quy định rõ ràng để người tham gia dự án phải có quyền giám sát quá trình hình thành bất động sản trong tương lai đó.
Bỏ quy định bắt buộc giao dịch qua sàn
Cần rõ khái niệm "bất động sản" để từ đó cụ thế hóa trong các điều, khoản Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và phù hợp với các luật khác. Theo phạm vi Luật đưa ra chưa được minh bạch, chung chung. Hai chữ nhà, công trình nghe rất mơ hồ. Ví dụ như công trình dân dụng, rộng lắm, vậy định đưa cả nhà trẻ, trường học vào kinh doanh? Luật chỉ trừ nhà công vụ, công trình bí mật Nhà nước, công trình lịch sử văn hóa, trụ sở Nhà nước không được bán. Vậy tất cả các cái khác đều mang bán hết?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, quy định này nhằm thu hút nguồn lực, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế... Tán thành với điều này, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh bất động sản đối với khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Trong khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn: Sợ mở rộng quyền kinh doanh bất động sản cho người nước ngoài mà không kiểm soát được. Nhiều ý kiến cũng đề xuất bổ sung quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh bất động sản để phù hợp với từng đối tượng kinh doanh. Vì theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam thì khái niệm người gốc Việt Nam là rất rộng, có những trường hợp như người nước ngoài.Dự án Luật cũng đã bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, cần xem xét kỹ trước khi bỏ quy định này, tránh việc khi cần qua sàn thì nói đó là việc rất tốt, khi muốn bỏ thì lại nói ngược lại. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển tán thành không bắt buộc giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản. Quy định này chỉ làm tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian, tăng thêm thủ tục, chi phí, giá bất động sản "ảo".
Nhận định sàn giao dịch bất động sản là một thiết chế hoạt động văn minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Nên quy định việc kinh doanh sàn giao dịch bất động sản là một loại; kinh doanh các giao dịch về bất động sản diễn ra trên sàn là một loại khác... Do đó, bỏ quy định bắt buộc qua sàn cũng có lý, nhưng sàn giao dịch bất động sản là biểu hiện bậc cao trong giao dịch, rất văn minh, không nên bỏ mà nên quy định chặt chẽ để nó văn minh thực sự.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu về nội tình công việc của các sàn giao dịch BĐS để hoạch định chính sách cụ thể đối với các công việc xung quanh sàn này trên cơ sở minh bạch, đáp ứng được nhu cầu của bên mua và bên bán.
Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Quy định đối tượng hỗ trợ nhà ở quá rộng
Chiều cùng ngày, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, các nhóm nội dung chủ yếu được đề nghị bổ sung, sửa đổi nhằm bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; xác định lại thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cho phù hợp với từng loại giao dịch để tạo điều kiện cho các chủ sở hữu thực hiện được đầy đủ các quyền của mình đối với nhà ở…
Đặc biệt nhấn mạnh đến quy định về nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, các thành viên UBTV Quốc hội tán thành với quan điểm Dự án Luật đưa ra để đảm bảo quyền công dân về nhà ở. Tuy nhiên, những quy định trong Dự án Luật được cho là quá rộng, chưa cụ thể. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Nếu liệt kê tất cả các đối tượng từ chính sách, đến cán bộ viên chức… như Dự án Luật thì có đến 50% dân nằm trong đối tượng này. Do đó, cần thiết kế là những người có khó khăn về thu nhập và nhà ở. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho rằng, Luật rất cần có chính sách, tài chính, quỹ đất để khuyến khích các chủ đầu tư quan tâm đến nhà ở xã hội nhiều hơn và đảm bảo sự thực hiện trong thực tế. |