Theo ông Đỗ Văn, bia, rượu, đặc biệt là rượu nấu được hình thành từ nền văn hóa lúa nước. Khi ấy, sau mỗi lần mùa màng bội thu, bà con nông dân mới dành một phần lúa gạo để tạo ra một thứ “1 chén ta thấy bay bay, 2 chén ta thấy 1 ngày làm tiên” - ông Đỗ Văn ví von. Cũng theo chia sẻ của ông, vào thuở mới lập nước, người dân thường sử dụng rượu vào những dịp trọng đại, như các tập tục thờ cúng tổ tiên, thần linh. Sau dần, rượu được sử dụng thường xuyên trong các bữa cơm gia đình hay lễ, hội. Dịch giả Đỗ Văn cho hay, rượu gạo quê thuở xưa nồng độ nhẹ, chỉ cỡ nhỉnh 20 độ, mỗi lần sử dụng vài chén sẽ thấy sảng khoái, thư giãn.
Với một đất nước thuần nông, mỗi dịp Tết đến Xuân về, họ hàng, bà con lối xóm thường qua lại nhà nhau chúc Tết, mừng tuổi người già, trẻ nhỏ, và một thứ “dẫn đường” cho mọi câu chuyện chính là ly rượu.
Nếu ở khu vực đồng bằng, rượu gạo được dùng phổ biến, với các nguyên liệu từ các loại lúa nước. Còn ở vùng cao, miền núi, rượu được chế biến từ các củ sắn, hạt ngô với hương vị và nồng độ rất đặc trưng. Những nghiên cứu từ đông y, rượu có tính bình, hành huyết, dùng ít rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là tiêu hoá và tinh thần thư thái. Tuy vậy, việc sử dụng rượu xưa và nay đã có những biến thể xấu xí, đặc biệt là tình trạng mất kiểm soát và sự trăm hoa đua nở của các nhà hàng kinh doanh bia, rượu.
Theo ghi chép từ nhà nghiên cứu sử học Đỗ Văn cho thấy, người xưa sử dụng rượu rất chừng mực, từ tốn và luôn thấy “đủ” thì dừng, do vậy “cả ngàn đời mới thấy một Chí Phèo”.Bàn về kỹ nghệ sử dụng bia, rượu, ông Đỗ Văn cho rằng, khó nhất chính là cảm nhận, làm chủ được “điểm dừng”. Người xưa có câu “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu – gặp tri kỷ, uống ngàn chén vẫn thấy thiếu”, ý nói, việc uống bia, rượu với bạn quý khó có điểm dừng.
Cũng chính vì nhận rõ tác hại của việc mất kiểm soát điểm dừng, trong các dịp cuối năm, Tết Nguyên đán, trong 3 ngày như thể được phép quên hết sự đời để vui Tết, người Việt vẫn dặn nhau “Tam bôi thông đại đạo, nhất tuý giải thiên sầu – rượu uống 3 chén là tỏ tường mọi chuyện, say một trận thì quên đi ngàn chuyện buồn đau”, như vậy, người xưa chỉ mong khi gặp bạn, uống lấy 3 chén được cho là đủ.
Xưa, chuyện nhâm nhi ly rượu kỹ càng là vậy, nhưng ngày nay, rất nhiều người đã lạm dụng nó đến mức cực đoan. Giờ không phải hàng quán bán bia, rượu nữa, mà nó đã biến thành các “trường bia” khổng lồ, với sức chứa tới cả ngàn đệ tử lưu linh. Chừng hơn 10 năm trước, thi thoảng lắm chúng ta mới bắt gặp một quán bia nhỏ, mọi người sinh hoạt từ tốn. Còn giờ đây, có lẽ thứ dễ bắt gặp nhất chính là các quán bia, quán rượu với những tiếng hò hét “zô zô” vang trời.
Sau cái chép miệng, ông Đỗ Văn đưa ra nhận định: “Dùng một chút, dùng đúng cách và luôn kiểm soát, rượu hay bia đều tốt cho cơ thể. Thêm một phần hưng phấn cho câu chuyện nào đó chẳng hay sao. Nhưng, ở chiều ngược lại, sẽ là các thảm hoạ từ những cơn say, hay những cái đầu đang bốc hỏa”.
Đề cập đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia nhận định, rượu quê xưa được chế biến từ gạo, thóc hay ngô, khoai với nồng độ vừa phải, lại được căn dặn sử dụng mức độ, tạo nên một nét văn hoá đẹp đẽ. Tết đến, người thân, họ hàng, anh em bạn bè chúc nhau ly rượu nồng ấm và gửi đến nhau những lời chúc may mắn, hạnh phúc. Còn giờ, có lẽ mọi lúc, mọi nơi, người ta đều dùng bia, rượu để thương thảo, luận bàn, để gặp gỡ, chia tay.
Chứng kiến quá nhiều thảm cảnh do việc lái xe khi sử dụng rượu, bia, ông Khuất Việt Hùng từng ví von những tài xế như những khẩu súng di động, có thể gây ra thảm họa bất cứ lúc nào khi đã ngà say, hay, từ những người tốt, đã trở thành kẻ mang trọng án bên mình khi là chủ nhân của các vụ tai nạn thảm khốc.
“Tôi nói câu này có thể hơi khó nghe, nhưng giả thiết nếu một ngày, ai đó phải đến hiện trường các vụ tai nạn do lái xe sử dụng bia, rượu, nếu một ngày, bạn phải đối mặt với bản án nghiêm khắc hay có người nhà, người thân gặp nạn do những tài xế sử dụng bia, rượu gây ra, bạn sẽ đồng cảm với những nhà làm luật, với một thông điệp mạnh mẽ đã uống rượu, bia sẽ không lái xe” - ông Khuất Việt Hùng nói thêm.