Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến, làm rõ nhận thức du lịch là một ngành kinh tế. Theo đó, phải có những thước đo cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về ngành kinh tế dịch vụ chứ không chỉ đơn thuần là các chỉ tiêu về số lượng lượt khách du lịch.
Toàn cảnh hội nghị |
“Cần phải bỏ tư duy coi du lịch chỉ là ngành vui chơi giải trí mà xây dựng một tư duy kinh tế trong quản lý và vận hành ngành kinh tế này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam những vấn đề lớn có tầm chỉ đạo liên quan đến phát triển du lịch đã có đầy đủ, vấn đề là thực hiện. Mặc dù các giải pháp đã rất cụ thể, phân chia trách nhiệm cho các bộ ngành, địa phương, của ngành du lịch nhưng có nơi làm tốt, có nơi không, điển hình là môi trường du lịch. Lấy ví dụ từ câu chuyện visa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vấn đề là phải cải tiến thủ tục, giảm phiền hà, làm visa điện tử để xây dựng hình ảnh an toàn, thân thiện, ấn tượng đối với du khách ngay từ ban đầu. Tiếp đến là vấn đề hàng không, sân bay, hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú trong nước, đến hạ tầng văn hóa du lịch bảo tồn, bảo tàng, môi trường du lịch, các điểm đến, xúc tiến du lịch. Phó Thủ tướng mong muốn việc thực hiện đề án sẽ tạo chuyển biến trong văn hóa ứng xử, văn minh đô thị. Các bộ ngành cần rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để nhân việc triển khai đề án sẽ tạo bước chuyển trong quản lý về môi trường xã hội, vệ sinh môi trường ở các đô thị. Từ các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá việc xây dựng đề án là cơ hội hiếm có để ngành du lịch tái cơ cấu, phát triển bền vững. Ban soạn thảo cần phân tích, đánh giá, tổng hợp tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại hội nghị để hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị xem xét ban hành Nghị quyết. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu ban soạn thảo cần phải làm rõ những rào cản, khó khăn và yếu kém so với tiềm năng lợi thế tĩnh và lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam. “Đề án phải hết sức thẳng thắn nhìn nhận những rào cản yếu kém bên trong ngành du lịch. Mà yếu kém nhất là nhận thức ngành nghề kinh doanh du lịch chưa đầy đủ. Đâu đó tư tưởng bao cấp, mang nặng tính phục vụ, chưa nhận thức du lịch là một ngành kinh tế. Mà chúng ta phải coi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tỉnh tổng hợp liên ngành, liên vùng và các tính xã hội hóa rất cao. Do đó phải ứng xử đối với du lịch như nhưng ngành kinh tế khác theo nguyên tắc, quy luật của thị trường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó liên kết giữa các DN du lịch, các thành phần kinh tế, các DN lớn và nhỏ còn rất yếu; liên kết ngành, vùng còn rất còn lỏng lẻo, còn kém hiệu quả... Chất lượng sản phẩm, khai thác phát triển sản phẩm và điểm đến du lịch còn rất hạn chế, thiếu sản phẩm có tính khác biệt, đẳng cấp, chưa có thương hiệu du lịch mang tính cạnh tranh quốc gia... Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý đề án cần đánh giá kỹ thực trạng cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chắp vá kể cả những địa bàn trọng điểm. Chúng ta chưa có khu du lịch quốc gia, chưa có điểm du lịch quốc gia theo đúng nghĩa và chưa có khu đô thị du lịch quốc gia theo tiêu chí của Luật Du lịch. Cùng với đó việc xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam còn rất hạn chế về cả kinh phí và nhất là cách thức tổ chức thực hiện. Trong phần nội dung liên quan đến chủ trương, mục tiêu của đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần đặt du lịch trong quan hệ với các ngành kinh tế khác và bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Đồng thời cần phân tích đánh giá kỹ tiềm năng lợi thế của du lịch Việt Nam, cơ hội, thách thức và tầm nhìn trong thời gian tới đặt mục tiêu là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng phải phát triển bền vững. Đề án cần phải làm rõ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia nhưng không có nghĩa tỉnh nào cũng phải phát triển du lịch là mũi nhọn mà phải căn cứ và điều kiện cụ thể của địa phương. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý ban soạn thảo cần kế thừa những gì tinh túy nhất trong các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch; kinh nghiệm của quốc tế ; đầu tư phát triển hạ tầng, huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện nhất là đối với khu du lịch và địa bàn trọng điểm; đầu liên kết phối hợp trong phát triển du lịch; nâng cao chất lượng, đẳng cấp sản phẩm du lịch; xây dựng các thương hiệu du lịch của Việt Nam... Đối với quản lý nhà nước, cần quát triệt quan điểm trung ương chỉ làm chức năng quản lý vĩ mô, không làm chức năng chủ quản du lịch, không kinh doanh thay cho DN, phân cấp triệt để, rõ ràng giữa Trung ương và địa phương... Đề án định hướng đến năm 2020, du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự thảo nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất nước cũng như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng cường đóng góp của ngành cho sự phát triển kinh tế của đất nước.