Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần quyết liệt hơn với công tác phòng, chống tội phạm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một nội dung "nặng" với hàng loạt vấn đề nóng bỏng là công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm đã được các ĐBQH thảo luận sôi nổi tại tổ chiều 26/10.

Cần quyết liệt hơn với công tác phòng, chống tội phạm - Ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Ảnh: VOV Online

Không phủ nhận những kết quả của phòng chống vi phạm pháp luật trong thời gian vừa qua, song đã có không ít băn khoăn của các đại biểu (ĐB) về tình hình tội phạm ngày càng gia tăng, phức tạp. Theo báo cáo, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội tuy được kìm chế, giảm 1,3%, một số loại án giảm như giết người, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng nhưng nhiều loại tội phạm tăng, có sự cấu kết đan xen giữa tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy. Tội phạm giết người thân, giết nhiều người, giết trẻ em dã man phản ánh những vấn đề đáng báo động về đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, số vụ chống người thi hành công vụ tăng 17,9%, trong đó chống lại lực lượng công an tăng 21,7%. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng phức tạp nổi lên trong lĩnh vực tài chính ngân hàng gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, tác động xấu đến an ninh tài chính tiền tệ. Tội phạm về vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn biến phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân gây bức xúc trong xã hội, dẫn đến khiếu kiện ở nhiều địa phương…

Trước vấn đề này, ĐB Nguyễn Đức Chung (đoàn Hà Nội), Giám đốc CA TP Hà Nội cho rằng, điểm yếu nhất hiện nay là công tác phổ biến pháp luật cho người dân chưa hiệu quả. Đáng lo nhất là đối tượng phạm tội vị thành niên. "Mỗi năm cả nước có 70.000 vụ ly hôn, tội phạm vị thành niên rơi vào những gia đình này chiếm tỷ lệ trên 60%" - ĐB Nguyễn Đức Chung bày tỏ. Ông cũng kiến nghị, cần có sự đầu tư, chính sách đãi ngộ xứng đáng cho lĩnh vực phòng ngừa tội phạm, vì hiện nay, công tác "chống" làm khá tốt, "ngừa" tội phạm lại còn nhiều yếu kém.

Ở khía cạnh khác các ĐB Uông Chu Lưu, Đặng Văn Hiếu (đoàn Thanh Hóa), ĐB Nguyễn Minh Kha (đoàn Cần Thơ); Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội)... tỏ ra bức xúc trước tội phạm công nghệ cao và cho rằng, cần có sự hợp tác với quốc tế tốt hơn để phòng và chống tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia...

Riêng đối với tội phạm tham nhũng, theo nhiều ĐB, trong năm đã xử lý được những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, nhưng tội phạm tham nhũng vẫn rất nhức nhối với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, cơ quan, đơn vị. ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) chỉ rõ: Chúng ta chống tham nhũng trên diện rộng mà chưa đi vào chiều sâu, nên không hiệu quả. Quy định kê khai tài sản kiểu hình thức hiện nay cũng không nói lên được điều gì, không thể chống tham nhũng hiệu quả được. Theo ông, nên bỏ Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng vì nếu có Ban chỉ đạo, các cơ quan sẽ ỷ lại chờ chỉ đạo mới làm.

Nhiều ĐB đề xuất sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng ở các địa phương và toàn quốc. Việc phòng, chống tham nhũng hiện nay chúng ta hô hào nhiều, thực hiện ít. Đặc biệt, vấn đề xử lý tội phạm tham nhũng phải mạnh tay và quyết liệt hơn.