Cần rõ người, rõ trách nhiệm

Trình Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, hàng loạt nhũng vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản xảy ra trên toàn quốc đã khiến dư luận đặt câu hỏi, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm cho những mất mát nói trên. Và theo những chuyên gia giao thông, đây là một câu hỏi chính đáng, cần thiết nhằm giảm thiểu TNGT. Bởi, nếu cứ tiếp tục đổi lỗi cho nguyên nhân khách quan, không rõ người, rõ trách nhiệm… thì đây sẽ mãi là một bài toán không có lời giải.

 Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 8 người tử vong tại Hải Dương
Khi dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng với những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra hồi đầu năm ở Long An thì ngày 21/1 tại Hải Dương lại xảy ra một vụ đặc biệt nghiêm trọng khác. Cụ thể, theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Hải Dương, khoảng 14 giờ 15 ngày 21/1, ô tô tải BKS 29C - 719.53 lưu thông trên QL 5 khi đi qua địa phận xã Kim Lương, huyện Kim Thành đã đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang khiến 16 người thương vong. Nguyên nhân của vụ tai nạn thương tâm nói trên bước đầu được xác định là do tài xế buồn ngủ và trước đó có sử dụng ma túy.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, TNGT là điều không ai muốn, và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu. Tuy nhiên, việc giảm thiểu TNGT không là nhiệm vụ bất khả thi nếu các cơ quan chức năng cứng rắn hơn nữa trong việc xử lý các cá nhân, tổ chức có liên quan. Lý giải về việc này, nhiều chuyên gia cho biết, ở bất cứ vụ tai nạn nào, khi nguyên nhân dẫn đến TNGT được xác định là do lái xe việc xử lý không có gì khó, nhưng việc xử lý các DN nơi người lái xe đang làm việc - được giao xe lại không hề đơn giản.

Cụ thể, mặc dù Điều 263, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định: Người điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định, người có thẩm quyền mà biết rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện, người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy, các chất kích thích mạnh khác mà vẫn điều động người đó điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ, sẽ bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm. Tuy nhiên, việc xử lý chủ phương tiện về tội danh này không đơn giản, bởi việc xác định họ có “biết rõ” người được giao điều khiển phương tiện có vi phạm quy định này hay không rất khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc nâng cao chế tài xử lý trách nhiệm của người lái xe, DN, cần phải xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nơi xảy ra các vụ TNGT thật nghiêm, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Bởi, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình từng nhấn mạnh, địa phương, nơi nào để xảy ra tai nạn nhiều, người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số người đứng đầu địa phương bị “chỉ tận tay, day tận trán” do để xảy ra TNGT tăng cao vẫn còn hạn chế. Do đó, để đảm bảo trật tự ATGT, bên cạnh việc mỗi người tham gia giao thông phải nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông thì các đơn vị có liên quan phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan. Khi người đứng đầu đơn vị, địa phương, lực lượng… vẫn còn tâm lý chủ quan, cho rằng đó không phải việc của mình thì việc giảm thiểu TNGT mãi là bài toán khó.